3 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong thế kỷ 21

Theo các chuyên gia y tế, các bệnh về tim mạch, ung thư và HIV là 3 nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong trong thế kỷ 21. Cũng theo các chuyên gia, để chữa trị được hoàn toàn bệnh ung thư trong tương gần là chưa có hy vọng. Còn để chiến thắng tuyệt đối bệnh HIV thì rất có thể phải chờ tới cuối thế kỷ này.

Ảnh: RIA

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 41 triệu người chết do các bệnh không lây nhiễm, chiếm 71% trong tổng số các ca tử vong, trong đó, nhiều nhất phải kể tới các bệnh về tim mạch với 17,9 triệu người.
“Tai biến và đột quỵ là nguyên nhân chính dẫn tới các ca tử vong”, RIA Novosti dẫn lời chuyên gia chính về y tế dự phòng của Bộ Y tế vùng Moscow Ekaterina Ivanova cho biết.

Theo bà Ekaterina Ivanova, hiện nay, tại rất nhiều nước, kỹ thuật điều trị cũng như dự phòng đối với các bệnh về tim mạch đã rất phát triển, do đó, người bệnh vẫn có thể sống khá thọ. Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả các nước, do đó, bệnh về tim mạch vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các ca tử vong.

Cũng theo WHO, ung thư là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây ra các ca tử vong. Theo số liệu thống kê, năm 2015, có 8,8 triệu người chết do ung thư. Cứ 6 ca tử vong trên thế giới thì có 1 ca chết vì ung thư.

(Ảnh minh họa)

Theo GS. Sergei Tyulyandin, Chủ tịch Hội khoa học ung thư, tại các nước phát triển, nơi dân số già hóa, ung thư là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các ca tử vong. Những người lớn tuổi thì khả năng mắc bệnh ung thư cũng càng nhiều.

Còn tại những nước đang phát triển, việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, ít vận động và không khí ô nhiễm là những lý do khiến gia tăng các ca mắc ung thư.

“Chế độ dinh dưỡng có thể là một trong những yếu tố khiến tăng nguy cơ phát triển khối u ác tính, ví như chúng ta ăn ít thực phẩm từ thực vật, quá nhiều đạm, giàu chất béo, carbohydrates”. Béo phì hiện nay đang khá phổ biến ở nhiều nước và đây là nguy cơ khiến các khối u ác tính phát triển.

Hoàn toàn loại bỏ ung thư hiện nay vẫn là điều không thể, tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ của y học sẽ giúp tầm soát sớm ung thư và điều trị bệnh ở những giai đoạn khác nhau.

Ung thư là sự suy giảm khả năng kiểm soát của hệ gen. Hiện thời chúng ta mới chỉ có thể can thiệp và ngăn chặn quá trình phát triển của khối u chứ chưa thể điều chỉnh được cả hệ gen. Điều này cũng có nghĩa là hôm nay chúng ta có thể chữa lành được khối u này thì ngày mai khối u khác lại xuất hiện và cứ tiếp tục như thế…, GS. Tyulyanlin giải thích.

Nguyên nhân phổ biến thứ 3 đó là HIV. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 35 triệu người bỏ mạng vì căn bệnh thế kỷ này. Tính tới cuối năm 2016, thế giới ghi nhận gần 36,7 triệu người bị nhiễm HIV.

Cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ này đã được tiến hành trong hơn 30 năm qua khi mà các nghiên cứu được tiến hành một cách sâu rộng để tìm ra các phương pháp chống lây nhiễm hiệu quả. Theo GS.TSKH sinh học Edward Karamov, để đối phó với căn bệnh này, cần có một loại vaccine hiệu quả, bảo vệ được ít nhất ở mức 70-80% người dân trong khi hiện nay tỷ lệ này mới dừng ở khoảng 30%. Hy vọng trong khoảng từ 10-20 năm nữa, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu trên. Cũng có thể đã có một chế phẩm nào đó đang được nghiên cứu, nhưng vẫn còn chưa được đưa vào thử nghiệm trên thực tế.

Với những bệnh không lây nhiễm, y học đã đạt được những thành tựu đáng kể. Thực tế đã dược minh chứng bằng số liệu tuổi thọ bình quân ngày càng cao. Ví dụ như ở châu Âu, tuổi thọ bình quân hiện nay đã là trên 80 tuổi, các giáo sư kết luận./.

An Bình/VGP

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.