Tranh luận nóng về việc chọn Quốc hoa

Hoa Sen là một phương án được đông đảo nhân dân bầu chọn. Tuy nhiên hoa Sen cũng là Quốc hoa của nhiều nước trên thế giới.

Nan giải chọn Quốc hoa


Câu hỏi loài hoa nào sẽ trở thành biểu tượng cho hồn cốt dân tộc Việt nam tuy đã được bàn luận nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có một câu trả lời chính xác. Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa thì việc lựa chọn Quốc hoa là một việc khó khăn. Đây là việc chung của quốc gia nên cần có sự đồng thuận của toàn dân.

Để tạo được sự đồng thuận, Quốc hoa phải là một loài hoa thật điển hình và được đông đảo nhân dân ưa chuộng. Tuy nhiên Việt Nam là một đất nước trải dài trên nhiều vĩ độ, địa hình, điều kiện tự nhiên khác nhau. Do vậy mỗi địa phương lại có một loài hoa đặc trưng cho địa phương ấy, thậm chí mỗi mùa có một loại hoa khác nhau.

Thông thường người miền Bắc thích hoa Đào, người miền Nam thích hoa Mai… Và rất nhiều ý kiến đề xuất sử dụng hoa Sen, hoa Lúa, hoa Tre, hoa Lan thậm chí có cả hoa Mào gà (Giáo sư Vũ Khiêu)… theo chủ kiến riêng của mỗi người. Vì vậy, khó có thể lựa chọn được một loại hoa nào đó thỏa mãn được tất cả.

Hoa Sen là một phương án được đông đảo nhân dân bầu chọn. Tuy nhiên hoa Sen cũng là Quốc hoa của nhiều nước trên thế giới. Có ý kiến cho rằng nên chọn Sen hồng để tránh trùng lặp với Sen trắng là Quốc hoa của Ấn Độ. Dù vậy, Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng nói đến Việt Nam, người ta thường nói đến hoa Sen chứ không phải nói riêng đến sen hồng. Và các loại hoa khác cũng có cốt cách, phong cách, cái đẹp riêng của nó.

Hoa Sen chiếm ưu thế

PGS, TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình, Viện Từ điển và Bách khoa thư cho rằng Quốc hoa cũng là một phần làm nên bản sắc của một dân tộc, một đất nước. Dù là quốc hoa, hay quốc ca, quốc kỳ, quốc tửu, quốc phục… đều khẳng định dấu ấn riêng của mỗi dân tộc. Ông cũng đồng tình với phương án chọn lựa hoa Sen là Quốc hoa của Việt Nam.

Theo TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình hoa Sen gắn liền với nền văn hóa dân tộc từ xa xưa. Người dân Việt Nam ai ai cũng biết đến câu ca dao: “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Trong tâm thức mỗi người Việt Nam, hoa Sen thanh cao, đẹp đẽ và gần gũi. Đó là trong văn học dân gian, còn ở thời hiện đại, hoa Sen gắn với Bác Hồ (Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ). Sen còn gắn với đạo Phật, là một hình ảnh thanh khiết vô nhiễm trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, thích hợp để thể hiện tinh thần cốt cách dân tộc. Vì vậy việc lựa chọn hoa Sen là Quốc hoa thực sự hợp lý.

Dù vậy, vẫn còn những ý kiến không đồng tình với phương án trên. PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng không nên chọn Sen là Quốc hoa. Theo bà dù rất đẹp nhưng hoa Sen mọc ở nhiều nơi trên thế giới. Quốc hoa phải đáp ứng tiêu khi được lựa chọn, người dân ai ai cũng thấy đây đúng là hình ảnh quốc gia, dân tộc mình. Vì vậy nên chọn hoa Mai hoặc hoa Đào.

Mai Đào là hình ảnh gợi nhắc đến ngày Tết, nhắc nhở người ta về nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, hoa Mai còn là hình ảnh tượng trưng cho cốt cách, khí tiết thanh khiết của người Việt Nam “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” (Nguyễn Du) hay “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Cao Bá Quát). Vì vậy hoa Mai hoặc hoa Đào là ứng viên thích hợp nhất để trở thành Quốc hoa Việt Nam.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội ở cả 3 miền do Bộ VH-TT-DL tiến hành thì tại Hà Nội, trong 20.000 ý kiến công chúng có 62% chọn hoa Sen làm quốc hoa, 16% chọn hoa Đào, 5% chọn hoa Ban và 2% chọn hoa tre. Tại Đà Nẵng, 10.000 ý kiến có 97% chọn hoa Sen hồng, số còn lại chọn hoa Mai, Sen vàng và các loại hoa khác. Tại TPHCM, trong 40.000 ý kiến có 71% chọn Sen hồng. Như vậy phương án hoa Sen trở thành Quốc hoa áp đảo so với các phương án khác.

(Theo vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.