ĐBSCL chạy đua… đón lũ

Năm nay, lũ ở ĐBSCL về sớm và lên nhanh, mực nước ở vùng đầu nguồn cao hơn cùng thời điểm năm trước từ 0,5 – 1m, hiện đang xấp xỉ báo động 2. Hiện nhiều địa phương cấp bách triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng người dân, đảm bảo sản xuất và khai thác lợi thế mùa lũ.

Đảm bảo an toàn cho dân

Các địa phương đầu nguồn lũ đang gấp rút hoàn tất chương trình xây dựng các cụm tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ giai đoạn 2 để đưa dân vùng nguy hiểm vào nơi an toàn, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực sạt lở. Ông Đinh Xuân Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đến nay, có 50/53 CTDC giai đoạn 2 đã hoàn thành 100%, 3 CTDC còn lại sẽ hoàn tất trong tháng 9-2014. Hệ thống hạ tầng thiết yếu (đường, cấp thoát nước, điện) trong các CTDC đến nay đạt gần 85%. Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhà ở và bố trí 7.566 hộ/14.231 hộ vào sinh sống an toàn. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp đang gấp rút hoàn thiện 7 CTDC vừa được Trung ương quyết định đầu tư bổ sung, chủ yếu để bố trí cho dân sống vùng sạt lở nguy hiểm tại các huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Tháp Mười và thị xã Hồng Ngự. Hiện đã đưa 507 hộ vào ở…”.

Thu hoạch lúa chạy lũ ở Đồng Tháp

Theo báo cáo của các địa phương vùng ngập lũ ĐBSCL, đến nay, giai đoạn 1 của chương trình xây dựng CTDC vượt lũ đã bố trí hơn 140.000 hộ vào sinh sống an toàn. Trong đó 2 tỉnh đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp dẫn đầu với tỷ lệ gần 100%. Ngoài ra, toàn vùng lũ có gần 115.000 hộ sinh sống an toàn trong khu vực các bờ bao chống lũ được xây dựng hoàn thành. Giai đoạn 2 của chương trình đã bố trí hơn 19.000 hộ dân vùng sạt lở, ngập lũ vào sinh sống tại các CTDC đạt hơn 55% so kế hoạch. Đồng thời, có hơn 16.500 hộ sống an toàn trong các bờ bao chống lũ…

Ngoài ra, để bảo vệ an toàn tính mạng của dân trong mùa lũ năm nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ còn thành lập hơn 600 đội cứu hộ cứu nạn với hàng ngàn người tham gia; túc trực thường xuyên tại các nơi xung yếu, nguy hiểm, ngã ba, ngã tư sông… để kịp thời cứu giúp người dân khi có tình huống xảy ra. Tại các vùng ngập lũ sâu, chính quyền địa phương phối hợp cùng ngành chức năng mở hàng trăm điểm giữ trẻ tập trung và bố trí lực lượng, phương tiện đưa rước học sinh đến trường suốt 2 – 3 tháng mùa lũ.

Sản xuất “ăn chắc” trong mùa lũ

Để tránh thiệt hại lớn, đảm bảo hiệu quả sản xuất cho nông dân, các địa phương vùng lũ kiên quyết không chạy theo số lượng mà chỉ cho phép sản xuất lúa vụ 3 trong vùng có đê bao an toàn. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, khẳng định: “Mùa lũ năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo sản xuất lúa vụ 3 trong vùng ăn chắc, với diện tích khoảng 134.000ha. Đến nay, người dân xuống giống có 121.000ha. Ngoài ra, có khoảng 600ha lúa xuống giống ngoài quy hoạch, do người dân “xé rào” trồng trong vùng đất gò, đê bao lửng. Vừa qua, có 200ha trong số này bị vỡ đê, thiệt hại trắng gần 80ha, số còn lại địa phương huy động lực lượng giúp dân thu hoạch an toàn. Hiện các địa phương vùng hạ lưu của tỉnh đã hoàn tất việc gia cố, nâng cấp hệ thống đê bao, bảo đảm an toàn cho 30.000ha cây ăn trái đặc sản của tỉnh”.

Cùng với lúa vụ 3 thì các làng nghề “ăn theo” mùa lũ ở ĐBSCL như: đan lưới, đóng xuồng, làm lọp tép, làm lưỡi câu… đang hoạt động nhộn nhịp. Tại làng lọp tép nổi tiếng Xẻo Sao (khóm Bình Khánh 4, phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang), hàng trăm lao động đang làm việc tất bật. Anh Nguyễn Văn Tấn, có hơn 20 năm trong nghề, nói: “Làng nghề này đã tồn tại trên 50 năm với hàng trăm hộ làm nghề. Năm nay nước lũ lớn và về sớm nên làng nghề đang vào cao điểm sản xuất để kịp giao hàng. Người làm công có thể được 100.000 – 150.000 đồng/người/ngày; trẻ em cũng làm được từ 80.000 – 100.000 đồng/ngày”.

Trong khi đó, tại xóm lưới Thơm Rơm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) không khí lao động khẩn trương cả ngày lẫn đêm. Nơi đây có 20 cơ sở sản xuất lưới, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động, sản phẩm cung cấp cho nhiều nơi tại ĐBSCL và xuất khẩu sang Campuchia. Trong đó có hơn 400 lao động trực tiếp tại các cơ sở, số còn lại do người dân trong khu vực lãnh hàng về nhà làm gia công. Với chất lượng tốt và giá rẻ, nơi đây trở thành trung tâm cung ứng các loại lưới đánh bắt cá phục vụ mùa lũ cho cả khu vực ĐBSCL. Ông Hồ Quý Thắng, chủ tiệm lưới Quý, cho biết: “Kể từ sau mùa lũ 2011 thì đây là mùa làm ăn được nhất. Cơ sở tôi đang thuê gần 20 lao động trực tiếp sản xuất mới kịp giao hàng cho các nơi ở ĐBSCL”. Còn ông Phạm Lạc Tiên, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, cho biết: “Sắp tới phường tiếp tục đề xuất và họp các cơ sở sản xuất kinh doanh ở làng nghề lưới để thống nhất thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác sản xuất. Đồng thời tạo thuận lợi để các cơ sở tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đầu tư phát triển làng nghề”./.

SGGP

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.