Cho lúa đơm bông…

Ở Cà Mau có một nơi với địa hình đặc thù bốn bề sông rạch, bị nước mặn bao vây. Những tưởng vùng này chỉ nuôi tôm, trồng rừng nhưng hàng chục năm qua, nhân dân địa phương sống thuần nông nhờ trồng lúa, rau màu và chăn nuôi… Chính quyền địa phương cho biết, đồng đất ấy quy hoạch ngọt hóa, là nơi duy nhất ở miệt rừng mắm, rừng đước Cà Mau có đồng lúa cả trăm héc-ta. Vùng đất mà chúng tôi đang đề cập thuộc khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, mà tương lai là 1 trong 2 đô thị loại 4 của tỉnh Cà Mau.

* Trồng lúa để ăn, chăn nuôi

Trưởng Chi hội Nông dân khóm Cái Nai – Phạm Văn Huê cho hay, đồng lúa tại địa phương đã thu hoạch, năng suất khoảng 4-5 tấn/ha. Một vài nông hộ vừa gặt xong lúa còn chất đống ở bờ mẫu nhưng tranh thủ cuốc đất, lên luống để lấp ngay vụ màu. Qua khu vườn của ông Nguyễn Văn Buôl, hộ dân ở khóm Cái Nai, ông cho biết vừa thu hoạch xong gần 10 công lúa, được 160 giạ (1 giạ tương đương 20kg lúa). Ngay khi dứt vụ lúa, ông lên luống trồng dưa hấu đón thu hoạch bán trong dịp Tết đón giá cao. Ông Buôl chia sẻ: “Làm nông ở đây phải tận dụng hết quỹ đất để trồng trọt, chăn nuôi chứ độc canh cầm chắc thu nhập sẽ bấp bênh”.

Ông Tám Huê ở địa phương này chia sẻ: canh tác lúa trên 20 năm nhưng việc bán lúa rất “trầy trật” do Năm Căn là “rún mặn” ở Cà Mau nên ít có thương lái đến thu mua. Phần lớn lúa sau khi được thu hoạch, gia đình ông cũng như nhân dân cùng xóm để dành chà gạo ăn trong năm và tận dụng lúa-cám… phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Như vụ lúa vừa qua, ông thu hoạch 12 công đất tầm lớn (khoảng 15.000m2) được 230 giạ lúa, nhưng mới bán được 140 giạ lúa tươi (giá 4.800 đồng/kg). “Số lúa còn lại, tôi cũng muốn bán lắm nhưng không còn ai hỏi mua nên chừa lại chà gạo, lấy cám, lấy tấm…cho gà vịt ăn” – ông Tám Huê cho biết.

Góp thêm về chuyện trồng lúa tại địa phương, trưởng khóm Cái Nai – La Văn Mừng (thường gọi Út Mừng) khẳng định, bản thân ông không biết đồng đất Cái Nai trồng lúa từ khi nào nhưng hồi ông có con trai đầu lòng dân trong vùng đã canh tác lúa. Ông nói con trai của ông Tết này tròn 30 tuổi, thì ít nhất thâm niên trồng lúa của nhân dân trong vùng cũng trên số năm đó. Ông Út Mừng cũng chia sẻ, trước khi trồng lúa, nhân dân địa phương làm rẫy, trồng rau màu ở những vùng đất gò cao. Lý do, đồng đất bị phèn quá nặng, mùa mưa nước ngập lênh láng, còn mùa hạn thì khô đồng, không có nước tưới cho cây trồng.

Đại diện chính quyền địa phương thăm đồng lúa vừa thu hoạch ở Cái Nai.

Để trồng được cây lúa, dân địa phương phải nhờ nhà khoa học vào cuộc tìm giống thích hợp, chịu phèn, chịu mặn. Đến giờ thì đã ổn, không lo về giống nữa nhưng kinh nghiệm làm lúa vùng này cho thấy, lúc mưa lớn thì để nước ngập luôn, còn khi nắng cục bộ lại cả tuần phải tháo hoặc bơm hết nước dưới chân ruộng, nếu không lúa bị nhiễm độc hữu cơ, thất thu.

* Gia tăng thu nhập đồng lúa vùng mặn

Do đất nhiễm phèn nặng và phụ thuộc vào “nước trời” và đất không giữ được nước lâu nên mô hình canh tác ở Cái Nai còn đơn điệu. Đất vùng này chỉ trồng được lúa, trồng màu, chăn nuôi gà, vịt, heo. “Có vài hộ thử nuôi bò, nuôi dê, nhưng vào mùa hạn, gia cầm, súc vật uống phải nước dưới ruộng phèn nhiều, bị bệnh hoặc chậm lớn. Nuôi không hiệu quả nên về sau bà con nghỉ nuôi, chỉ nuôi gà, nuôi heo” – ông Út cho biết.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Năm Căn – ông Huỳnh Minh Thùy cho hay, trên địa bàn có 13 khóm, chủ yếu canh tác hệ mặn nhưng chỉ riêng Cái Nai là canh tác hệ ngọt. Trong số 96 ha đất ngọt hóa ở Cái Nai có 65 hộ dân trồng lúa với 67 ha; diện tích còn lại trồng rau màu, chăn nuôi kết hợp. Vừa qua, các đơn vị chức năng huyện Năm Căn tổ chức nhiều lớp tập huấn, giúp nhân dân Cái Nai nắm vững kỹ thuật canh tác lúa-màu, chăn nuôi. Đồng đất này như “hồi sinh” kể từ khi chính quyền quan tâm, gia cố cao ráo tuyến đê bao khoảng 3.000m ở Cái Nai (năm 2013), vừa ngăn triều cường và hạn chế đáng kể mặn xâm thực đồng lúa. Cũng nhờ đó, năng suất lúa trong vùng tăng lên và giữ mức ổn định từ 4-5 tấn/ha cho đến nay. Ngoài trồng lúa, nhân dân trong vùng còn chăn nuôi, trồng rau màu để tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, kể cả trồng dưa hấu đón đầu dịp Tết. Trong khoảng 5 năm gần đây, bà con còn trồng bắp dưới ruộng lúa và thu hoạch trước khi cấy lúa. Mô hình ấy bước đầu khá hiệu quả, được nhiều hộ áp dụng.

Ông Võ Văn Hành, Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, cho biết, đồng đất Cái Nai được lãnh đạo huyện quy hoạch là vùng ngọt, lâu dài sẽ là “vành đai xanh” cung ứng sản phẩm “ngọt” kiểu tự tiêu tự sản cho vùng mặn nội địa Năm Căn. Tuy nhiên, so với nhiều vùng thuần nông ở Cà Mau, năng suất lúa ở Cái Nai còn hạn chế vì phụ thuộc vào “nước trời” và chỉ làm được một vụ lúa mùa duy nhất trong năm. Để giúp bà con tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, địa phương đang thực hiện chỉ đạo của thường trực UBND huyện Năm Căn để xây dựng mô hình thí điểm trồng rau sạch ở khóm Cái Nai. Trong năm 2015 này, nếu ít vốn quá thì thị trấn hỗ trợ thí điểm trước khoảng 10ha rau sạch. Song hành với đó sẽ phối hợp với ngành chức năng huyện xây dựng thương hiệu rau sạch, hỗ trợ đầu ra ổn định để bà con trong vùng yên tâm sản xuất.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Đoàn Tấn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết: Đồng đất Cái Nai bị phèn, mặn nhưng chẳng hiểu vì sao lúa phát triển khá tốt và đây cũng là vùng trồng lúa duy nhất ở miệt rừng ngập mặn Năm Căn và Ngọc Hiển. Tới đây huyện sẽ có nhiều ưu tiên cho “vùng ngọt” này, đặc biệt là về hạ tầng phục vụ sản xuất, khoa học kỹ thuật, vốn…giúp nhân dân trong vùng canh tác hiệu quả và bền vững.

HỮU TÙNG (Báo Cần Thơ)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.