Quốc hội thảo luận Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được đông đảo cử tri cũng như đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Tâm điểm trong ngày làm việc 29/5, đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về dự án luật này, đa số bày tỏ thái độ không đồng tình, đầy băn khoăn…với nhều sửa đổi của dự án luật, đặc biệt là chế độ lương hưu, kéo dài tuổi nghỉ hưu trong khi tình trạng nợ Bảo hiểm xã hội vẫn chưa được xử lý hiệu quả.


Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu của người lao động tại khoản 2 Điều 53 như sau: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại (trừ nhóm lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu) cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, một số ý kiến không tán thành và đề nghị thực hiện Điều 187 của Bộ luật lao động đó là nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.

Đa số ý kiến bày tỏ bức xúc về tình trạng nợ Bảo hiểm xã hội kéo dài chưa được xử lý hiệu quả. Báo cáo của Chính phủ cho thấy đên cuối năm 2013, số tiền nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 4.752 tỷ đồng (4,3% tổng số phải thu). Tính đến hết năm nay, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã khởi kiện 2.463 đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội với tiền nợ 1.248 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền nợ thu hồi được còn rất thấp, chưa đến 29% số nợ bị khởi kiện. Về việc giảm chi cho vận hành Bảo hiểm xã hội, nhiều ý kiến đề cập đến việc nâng mức chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội dựa trên tổng số thu, tối đa không quá 3% trong dự thảo. Nhiều đại biểu cho rằng, mức nâng lên này là quá cao trong khi quỹ mất cân đối.

Cũng trong sáng 29/5, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Dạy nghề. Mục đích của việc điều chỉnh dự án luật này nhằm khắc phục tình trạng chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, chưa thiết lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp và người lao động, thiếu cơ quan chức năng cụ thể để hướng dẫn thi hành luật, các quy định còn mang tính nguyên tắc.

Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể, đánh giá việc quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2012. Theo đó, Ngân sách Nhà nước tăng chi đầu tư phát triển hợp lý, tiếp tục cơ chế khuyến khích đối với các vùng kinh tế trọng điểm, ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện xóa đói giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Bổ sung kinh phí quốc phòng, an ninh đảm bảo ổn định kinh tê vĩ mô và an ninh tài chính.

Thanh Luân

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.