Quốc hội thảo luận Luật tài nguyên, môi trường Biển và Hải đảo

Chiều ngày 27/11, Quốc hội thảo luận Thảo luận ở hội trường về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Đa số ý kiến nhận định, trong những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển. Nhóm ý kiến khác nêu rõ, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ở nước ta đang được đặt ở mức báo động, yêu cầu đặt ra phải bảo vệ được nguồn lực thủy sản, bảo vệ được môi trường biển, hải đảo. Với tinh thần đó, việc ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là cần thiết. Dự thảo Luật không chỉ có tác động huy động nhân dân tại vùng biển, hải đảo, mà phải kêu gọi trách nhiệm của toàn cộng đồng, toàn dân, chung tay góp sức bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, hải đảo.

Một số ý kiến khác cho rằng, hiện nay việc khai thác, bảo vệ tài nguyên biển mới được một số Bộ, ngành tham gia, như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Dầu khí, còn lại chưa có sự vào cuộc của các Bộ, ngành khác, trong khi tài nguyên biển rất dồi dào, rộng lớn. Một số ý kiến khác cho rằng, dự thảo luật mới dừng lại ở việc giải quyết vấn đề bảo vệ, khai thác và phát triển kinh tế biển, chưa giải quyết được các mối quan hệ giữa các chủ thể hiện đang có mặt trên biển, chưa xác định rõ đối tượng được điều chỉnh trong luật và cơ quan nào chủ quản.

Liên quan đến thanh tra về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo một số ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm thanh tra. Mối quan hệ của cơ quan thanh tra với cảnh sát biển, cảnh sát môi trường. Đại biểu đề nghị trong mối quan hệ giữa cảnh sát biển, cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường biển, Ban soạn thảo phải chỉ rõ trách nhiệm chính thực hiện chức năng quản lý tổng hợp môi trường biển, hải đảo thuộc về cơ quan nào. Trước đó, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề./.

Thanh Luân

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.