Nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội

Sáng ngày 10-9, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thảo luận về dự án Luật nhà ở (sửa đổi) trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp tới. Những vấn đề về chính sách nhà ở công vụ, phát triển nhà ở xã hội, sở hữu chung – riêng trong nhà chung cư.. được các đại biểu thảo luận rất sôi nổi.


Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước, Ủy ban thường vụ (UBTV) Quốc hội đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật này với nhiều nội dung.

Cụ thể, về chính sách nhà ở xã hội, UBTV Quốc hội đề nghị ngoài các quy định cụ thể về ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Cụ thể là được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế nhiều hơn so với xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua. Mặt khác, luật cũng nêu sẽ đáp ứng yêu cầu về nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân thực sự có khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng về tài chính để cải thiện nhà ở.

Về Quỹ phát triển nhà ở xã hội, có ý kiến tán thành và cũng có ý kiến không đồng ý thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã (vì đã có Ngân hàng chính sách xã hội làm thay chức năng cho vay của Quỹ này). Vì vậy, UBTV đã thiết kế hai phương án về Quỹ phát triển nhà ở để xin ý kiến các vị ĐBQH: không thành lập, hoặc thành lập quỹ ở các đô thị lớn nhiều công nhân.

Về sở hữu chung trong nhà chung cư, dự thảo Luật quy định chỗ để xe được chia thành 2 loại, nếu là chỗ để xe 2 bánh thì thuộc sở hữu chung, nếu là chỗ để xe ô tô thì do chủ đầu tư quyết định sẽ thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư hoặc thuộc sở hữu chung. UBTV đề nghị bổ sung quy định nếu chủ đầu tư quyết định giữ chỗ để xe ô tô thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư thì không được hạch toán vào giá bán căn hộ chung cư và phải công khai, minh bạch nội dung này trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Cần lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội ở nơi có đông công nhân

Hầu hết các ĐBQH đều cho rằng, dự thảo luật lần này đã tiếp thu tối đa ý kiến các ĐBQH, có nhiều điểm sáng, nhất là về chính sách phát triển nhà ở xã hội.

Về quỹ phát triển nhà ở xã hội, với 2 phương án mà UBTV đề cập, hầu hết các ĐB đồng tình phải có quỹ ở các địa phương có đông công nhân ở. “Yêu cầu thực tiễn cũng cho thấy, người nghèo, đối tượng có công đều đang có nhu cầu lớn về nhà ở trong khi khả năng tự tạo nhà ở của họ là rất thấp. Vì vậy, nguồn quỹ này là quan trọng để giúp họ có chỗ ở. Nhưng không nhất thiết thành lập quỹ ở tất cả mọi nơi, mà chỉ cần thành lập ở những nơi khó khăn, hay có thiên tai để trợ giúp các đối tượng”, ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phát biểu, về nguyên tắc ủng hộ có quỹ ở các tỉnh thành có đông công nhân nhưng Bộ Xây dựng phải có báo cáo rõ về việc thực hiện quỹ này trong thực tế để ĐBQH quyết định”, bà Nga đề xuất. ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chỉ cần thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở khoảng 20 địa phương có nhiều công nhân, sinh viên. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng đề nghị, khi trình ra Quốc hội, UBTV nên “chốt” chỉ còn phương án là thành lập quỹ ở các địa phương đông công nhân, vì quỹ này sẽ hỗ trợ để phát triển nhà ở cho công nhân.

Ngược lại với các ý kiến tán thành, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) lại cho rằng, không nên thành lập quỹ mà để Ngân hàng chính sách xã hội lo việc này, vì có quỹ lại thêm bộ máy, lại có nguy cơ thành quỹ tín dụng đen.

Ưu tiên cho hướng phát triển nhà ở cho thuê.

Dù đồng tình cao với tiếp thu chỉnh sửa luật theo hướng có chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhưng các ĐB vẫn cho rằng cần phải hoàn thiện thêm. Theo ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), “vừa qua cứ nói Nhà nước đầu tư nhà ở cho công nhân, sinh viên, nhưng có bao nhiêu người được ở?. Sinh viên, công nhân hầu hết ở nhà trọ của dân. Chính sách nhà nước hiện nay mới chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, chưa có chính sách cho các thành phần khác tham gia tạo nhà ở cho các đối tượng này. Chính sách phải công bằng”, ĐB Hà phát biểu.

ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nêu, hiện các doanh nghiệp chỉ chú tâm đến xây dựng nhà ở thương mại để bán, trong khi nhu cầu thuê nhà ở xã hội là rất lớn, công nhân và sinh viên chủ yếu phải ở trọ chật chội trong dân. Cần yêu cầu doanh nghiệp phải dành 20-30% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê. Sau 5-10 năm cho thuê thì được bán lại cho người thuê. Đó là kinh nghiệm trên thế giới. Ngoài ra, “đang xuất hiện cò nhà ở xã hội, vì vậy cần bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh lợi dụng để trục lợi. Phải ghi rõ điều này trong luật”, ĐB Lê Như Tiến cảnh báo.

ĐB Trần Du Lịch cho rằng, luật này phải bảo đảm mọi người có nhà ở chứ không phải sở hữu nhà ở, vì vậy cần ưu tiên cho hướng phát triển nhà ở cho thuê. Ngoài ra, cần bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội đó là những người đang bị phá sản. “Khi làm ăn được họ đóng thuế cho nhà nước, khi phá sản nhà ở của họ bị phát mãi, nên cho họ được hưởng chính sách nhà ở xã hội”, ông Lịch đề xuất.

Nhà công vụ biến thành nhà tư vụ

Vấn đề nhà ở công vụ rất “nóng” khi được các ĐB tập trung trao đổi. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và nhiều ĐB khác, thực tế vừa qua nhiều người ở nhà công vụ không đúng đối tượng, tiêu chuẩn khiến dân rất bất bình. “Đề nghị thu hẹp diện được ở nhà công vụ. Trừ các đối tượng đặc biệt, nên để các đối tượng khác tự mua nhà theo cơ chế thương mại. Luật cũng phải quy định thời gian phải trả lại nhà công vụ khi cán bộ hết thời gian công tác, tức là phải có chế tài để xử lý việc trả lại nhà công vụ”, ĐB Vinh nói. Ông cũng cho rằng, giá thuê nhà công vụ cũng phải công bằng. Cần nêu rõ đối tượng nào được thuê giá ưu đãi, nếu không ghi trong luật thì trong Nghị định phải ghi để dễ thực hiện.

ĐB Chu Sơn Hà cũng quan điểm, chính sách nhà công vụ chỉ nên thiết kế cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước vì họ chính là “tài sản quốc gia”. Còn các đối tượng khác không cần thiết phải quy định trong luật này. ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp lời, hiện nhiều “tài sản quốc gia” đã biến nhà công vụ thành tư vụ. Nghỉ hưu, về quê sống nhưng vẫn giữ nhà công vụ. Vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ cần có báo cáo rõ về tình hình thực hiện nhà công vụ để Quốc hội quyết định.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) thì lại cho rằng, nhu cầu nhà ở công vụ không chỉ là nhu cầu của lãnh đạo cấp cao. “Tôi gặp thực tế, một cán bộ xã được điều động công tác cách xa nhà 15km đường rừng, nhu cầu nhà ở là có thật. Học sinh, giáo viên, cán bộ ở miền núi có nhu cầu nhà ở công vụ rất lớn. Cán bộ về đô thị làm việc cũng chịu áp lực lớn về nhà ở, nên không phải ai cũng thích về thành phố khi bị điều động. Vì vậy, đối tượng nào được hưởng nhà công vụ phải ghi rõ trong luật. Đặc biệt, trách nhiệm quản lý nhà công vụ phải rõ, do Bộ nào quản lý, vì đó là tài sản của nhà nước. Ai giữ chìa khóa, không trả chìa khóa phải biết rõ”, ĐB Lê Nam phân tích.

Theo ĐB Lê Nam, người hết thời gian làm việc phải trả lại nhà công vụ thế nào, luật phải quy định rất rõ. Phải dứt khoát như vậy thì sẽ không còn chuyện thắc mắc như lâu nay. Còn cán bộ hết thời gian ở nhà công vụ vẫn khó khăn về nhà ở thì Nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ riêng.

ĐB Chu Sơn Hà cho rằng, phải có chính sách nhà công vụ khuyến khích cán bộ luân chuyển về vùng sâu vùng xa để hút cán bộ. Còn cán bộ ở đô thị thì nên giao cho doanh nghiệp đứng ra cho thuê như cho thuê với các đối tượng khác. “Vì bản thân họ đã được hưởng nhiều ưu đãi khi về làm việc ở đô thị, nên nếu được hưởng giá thuê nhà công vụ ưu đãi nữa thì không công bằng. Xây dựng luật như vậy thì sẽ bảo đảm được công bằng, không gây thắc mắc nữa”, ông Hà nói.

Ngoài ra, giá cho thuê nhà công vụ phải bảo đảm công bằng. “Mỗi công nhân ở Hà Nội đang thuê ở 24.000 đồng/m², trong khi cán bộ thuê nhà công vụ chỉ thuê 6.000 đồng, rẻ hơn 4 lần mà điều kiện lại tốt hơn. Rất không công bằng, bất hợp lý”, ông Hà thẳng thắn.

Phan Thảo/SGGP Online

Phải quy định rõ sở hữu chung-riêng ở chung cư

Đặc biệt, về vấn đề sở hữu chung cư, ĐB Đồ Văn Đương cho rằng, nhu cầu gửi xe ô tô là rất lớn. “Trong khi luật quy định xe 2 bánh là thuộc vào sở hữu chung trong chung cư; còn xe 4 bánh do chủ đầu tư quyết định. Như vậy thì nhà có 10 xe máy (20 bánh) thì được hưởng sở hữu chung; còn 1 nhà có xe 4 bánh lại phải chịu. Vì thế, phải quy định nhà chung cư phải có chỗ để xe ô tô. Cần quy định diện tích để xe thuộc sở hữu chung là cho cả xe máy, xe ô tô’, ĐB Đương đề xuất.

“Tôi đã ở hàng chục năm nay, ám ảnh nhất là bị triệu tập họp ở chung cư vì triền miên là kéo dài các cuộc cãi vã, tranh chấp về quyền lợi về sở hữu chung-riêng. Bộ Xây dựng cần rà soát lại tại sao cứ sau một thời gian dân cư vào ở chung cư là lại có khiếu nại?”, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phát biểu. Theo bà Nga, sở dĩ triền miên tranh cãi, khiếu nại ở chung cư là vì quyền lợi của dân rất bất lợi, trong đó tranh chấp hợp đồng và quyền lợi về sở hữu chung-riêng là nguyên nhân chính. “Bộ Xây dựng cần có đánh giá toàn bộ những bất cập trong quản lý nhà chung cư thời gian qua để có thực tiễn làm luật. Vì quy định hiện nay quá chung chung nên người mua nhà chung cư thường xuyên bị bất lợi, không được ai bảo vệ quyền lợi. Việc sử dụng diện tích sở hữu chung hiện nay có quá nhiều bất cập, các nhà hàng có thể kinh doanh ăn uống, bừa bãi, thiếu an toàn”, bà Nga nêu.

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.