Lúa đông xuân: Giá giảm, khó tiêu thụ

Những ngày gần đây, giá lúa đông xuân ở các tỉnh ĐBSCL liên tục giảm. Bên cạnh đó, chuyện một số hộ ở Đồng Tháp tham gia mô hình “cánh đồng lớn” bị doanh nghiệp “bẻ kèo” không mua lúa càng khiến tình hình thêm căng thẳng. Hiện 134 doanh nghiệp đang khẩn trương triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Nhưng có nhiều ý kiến khác nhau về việc định giá để nông dân đạt mức lợi nhuận tối thiểu 30%.

Giá lúa ở ĐBSCL giảm nên dù thu hoạch rộ lúa đông xuân, nhưng khó về đầu ra khiến nông dân lo lắng.

Nông dân ngồi… trên lửa!

Chiều 28-3, chúng tôi về Đồng Tháp khi nơi đây đang vào giai đoạn thu hoạch rộ lúa đông xuân, thế nhưng giá lúa giảm làm cho nhiều nông dân lo lắng. Ông Nguyễn Văn Lam, ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng than vãn: “Mấy ngày qua, giá lúa quay đầu giảm mạnh, tiêu thụ chậm. Có nhiều người muốn bán lúa ngay dù giá thấp, nhưng không có ai mua. Gia đình tui vừa thu hoạch 7ha lúa được hơn 50 tấn và phải bán tháo vì sợ giá lúa tiếp tục giảm. Hiện thương lái mua lúa IR50404 với giá 4.200 – 4.300 đồng/kg; lúa chất lượng cao 4.600 – 4.700 đồng/kg… Mức giá này thấp hơn thời điểm đầu vụ khoảng 200 – 400 đồng/kg, nên lợi nhuận thu về không bao nhiêu. Nếu tính bình quân đầu người trong gia đình, chẳng được gì nhiều sau 3 tháng canh tác lúa”.

Giá lúa giảm không chỉ nông dân sản xuất thông thường, mà ngay cả những hộ tham gia cánh đồng liên kết cũng đối mặt nhiều khó khăn vì có thể bị doanh nghiệp “bẻ kèo” không mua lúa theo hợp đồng đã ký hồi đầu vụ. Các doanh nghiệp cho rằng chất lượng lúa chưa đạt yêu cầu, thiếu vốn, không có hợp đồng xuất khẩu… để né tránh việc thu mua lúa của nông dân. Ông Nguyễn Văn Cọp, ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, phản ánh: “Vụ này tôi tham gia ký hợp đồng với Công ty Docimexco về tiêu thụ lúa, nhưng đến kỳ thu hoạch công ty lấy lý do lúa không đạt độ thuần, lẫn tạp chất hơn 10% nên không mua. Ngay lập tức nông dân bị thương lái ép giá 200 – 300 đồng/kg. Hiện giá lúa thơm, chất lượng cao chỉ 4.700 – 4.800 đồng/kg, quá thấp. Ai cũng hy vọng giá phải 5.300 – 5.400 đồng/kg nông dân mới sống được”.


Vụ đông xuân này, Docimexco ký hợp đồng tiêu thụ hơn 1.300ha lúa của nông dân huyện Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự, nhưng không thực hiện đúng tinh thần đã ký. Riêng đối với những diện tích mà công ty chấp nhận mua thì định giá thấp hơn thị trường 200 đồng/kg, khiến nhiều nông dân bức xúc. Để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ đạo các ngành chức năng trực tiếp xuống ruộng lúa của nông dân lấy mẫu kiểm tra để có hướng xử lý.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: “134 doanh nghiệp đã thu mua ít nhất 130.000 tấn gạo tạm trữ trong hơn 1 tuần qua”. Theo ghi nhận của PV , giá lúa tại Hậu Giang dao động ở mức 4.300 đồng/kg lúa thường, 4.800 đồng/kg lúa dài, chất lượng cao. “Giá thành sản xuất lúa của nông dân hiện nay là 3.750 đồng/kg. Với mức giá bán phổ biến hiện nay khoảng 4.300 đồng/kg, tính ra nông dân chỉ lãi khoảng 670 đồng/kg, lợi nhuận chỉ đạt 18%” – ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, trăn trở.

Cho đối tác đến “chọc gạo” tại kho!

Hiện nay, có 2 khung giá cùng tồn tại song song. Khung giá lúa tươi nông dân bán tại ruộng (dao động 4.000 – 5.000 đồng/kg) và khung giá tại kho của doanh nghiệp do VFA đưa ra (khoảng 5.250 – 5.650 đồng/kg, nông dân sẽ đạt lợi nhuận trên 30%). Theo cách tính thông thường, độ vênh giữa lúa tươi bán tại ruộng và giá lúa khô tại kho của doanh nghiệp khoảng 1.000 đồng/kg. Điều “trái khoáy” hiện nay là nên lấy giá lúa nào để tính ra lợi nhuận của nông dân một cách chính xác. Tính theo giá nông dân bán lúa tươi tại ruộng hay tính giá thống kê từ VFA (!?). Đây sẽ là một vấn đề khá mới. Tất nhiên, sẽ có 2 luồng ý kiến để bảo vệ 2 khung giá “so le” này.

Có một thực trạng mua bán lòng vòng đã tồn tại nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào khắc phục. Cách tính giá lúa của VFA là đã cộng tiền mua lúa, gạo từ thương lái. Trong đó, tình trạng phổ biến là VFA chỉ mua gạo nguyên liệu rồi quy ra giá lúa tại kho. Vì thực tế, lượng lúa mà các thành viên VFA mua trực tiếp từ nông dân không lớn so với mua gạo nguyên liệu từ thương lái. Và nếu tính giá thu mua lúa tại kho của doanh nghiệp để quy chiếu ra lợi nhuận của nông dân sẽ bất hợp lý: khi lúa – gạo bán qua tay thương lái đã đội giá lên, lợi nhuận chênh lệch thương lái hưởng chứ không phải nông dân. Còn nếu tính lợi nhuận từ bán lúa tươi thì nông dân lời rất ít.

Lúa hàng hóa ở ĐBSCL tràn ngập nhưng tiêu thụ quá chậm.

Các cơ quan chức năng cần sớm chọn khung giá nào đúng nhất để tính ra lợi nhuận của nông dân. Có ý kiến cho rằng, vấn đề nông dân đạt lợi nhuận 30% hay 50%… không quan trọng. Cái cần thiết là định lượng đúng công sức họ bỏ ra, lợi nhuận chính xác họ được hưởng để có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý.

Theo Bộ NN-PTNT, vụ đông xuân này, ĐBSCL sẽ đạt sản lượng khoảng 11,5 triệu tấn. Trong đó, thu hoạch trong tháng 3 và tháng 4-2014 là 7,57 triệu tấn. Tổng lượng lúa hàng hóa còn trên 9 triệu tấn, tương đương khoảng 4,5 triệu tấn gạo. Hiện nay khi thị trường xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn thì lượng gạo xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đang gia tăng. “Bán gạo vào thị trường Trung Quốc lời lẻ tẻ nhưng rủi ro cao” – một lãnh đạo VFA nhận định. Tuy nhiên, càng “đau hơn” khi số lượng gạo Việt Nam xuất vào thị trường này ngày càng nhiều, nhưng các “quy chuẩn” chưa rõ ràng. Vì vậy, một số doanh nghiệp đề xuất hãy để khách hàng đến trực tiếp kho gạo, lấy cây chọc vào bao gạo xem xét.

Có thể nói, sau hàng chục năm xuất khẩu gạo, việc điều hành xuất khẩu gạo đến nay vẫn lúng túng. Vì vậy, vấn đề tiêu thụ lúa gạo, đảm bảo quyền lợi cho nông dân vẫn là bài toán chưa có lời giải?

* TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Hiện tại đang diễn ra tình trạng cung vượt cầu, nhiều nước tham gia xuất khẩu gạo hơn trước; nhất là Thái Lan đang “xả hàng” với sản lượng hơn 15 triệu tấn. Trong khi đó, ĐBSCL đang thu hoạch rộ vụ lúa chính trong năm. Hầu hết nông dân không có điều kiện tạm trữ và muốn bán lúa ngay khi thu hoạch để trang trải cuộc sống. Trong khi doanh nghiệp gặp khó về đầu ra nên chần chừ trong việc thu mua lúa. Từ đó giá lúa rớt gây thiệt hại cho nông dân. Điều đáng nói là việc triển khai thu mua tạm trữ từ 15-3, nhưng hiện nay giá lúa giảm, lại khó tiêu thụ… khiến nông dân thiệt hại lớn. Tiền đã có ngân hàng lo, lãi suất Chính phủ hỗ trợ, VFA chỉ tổ chức thu mua lúa, nhưng vẫn chậm trễ. Như vậy, trách nhiệm này thuộc về ai? Cần phải làm rõ. Ngay như đợt mua tạm trữ vụ hè thu 2013 cũng chỉ đạt 80% kế hoạch, nhưng không ai chịu trách nhiệm?

sggp

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.