Lễ hội Katê- Ninh Thuận: Niềm tin tín ngưỡng trong dòng chảy văn hóa

Lễ hội Katê được tổ chức mỗi năm 1 lần vào ngày đầu tiên của tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9 – 10 dương lịch), là lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa Chămpa. Theo thời gian, đồng bào dân tộc Chăm luôn luôn tin rằng, trong không gian lễ hội, con người có thể gặp gỡ thần linh, giao hòa cùng trời đất và bày tỏ lòng kính tín đối với tổ tiên, ông bà… Và, đó là chỗ dựa vững chắc để con người tự tin vươn tới tương lai.

Cộng đồng dân tộc Chăm hiện có khoảng gần 15 vạn người, cư trú ở các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh… Tại tỉnh Ninh Thuận, người Chăm sinh sống tập trung theo cộng đồng tôn giáo trong 22 palei thuộc 13 xã của 4 huyện là Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và TP.Phan Rang (Tháp Chàm).
Ông Đàng Năng Phú (ở palei Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) kể: “Cứ đến mùa hoa Tagilao (hoa bằng lăng) nở tím sườn núi, làng Chăm nô nức chuẩn bị Tết Katê, đó là dịp mọi người sửa soạn lễ vật dâng cúng, bày tỏ lòng biết ơn đối với thần linh cùng tổ tiên, ông bà và thành kính nguyện cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, gia đình an khang, thịnh vượng…Ngày xưa, Katê kéo dài khoảng 1 tháng, nhưng nhịp sống hiện đại đã rút gọn thời gian lễ hội. Dù được mùa hay thất bát, lễ hội Katê vẫn được người Chăm giữ nguyên những lễ thức quan trọng, diễn ra trong 3 ngày”.

Lễ hội Katê- Ninh Thuận: Niềm tin tín ngưỡng trong dòng chảy văn hóa

Katê là tết của cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn. Những ngày tết, không khí trang nghiêm, tưng bừng như thắp sáng mọi ngả đường từ đền tháp đến làng xã, sân vườn… Ngày nay, người Chăm vẫn tin rằng, dân tộc Raglei giữ trọng trách trông coi trang phục, tài sản của các vị vua Chăm. Bao giờ cũng vậy, trước ngày khai lễ, đồng bào Chăm tổ chức 3 đoàn rước y trang của các vị thần khả kính – đoàn thứ nhất rước y trang thần Pô Rômé từ người Raglei ở xã Phước Hà về tháp Pô Rômé (xã Phước Hữu), đoàn thứ 2 rước y trang thần Pô Inưgar (bà mẹ xứ sở) về đền thờ bà ở palei Hữu Đức, đoàn thứ 3 rước y trang thần Pôklong Garai về tháp thờ ngài tọa lạc trên đỉnh đồi Trầu, ở phường Đô Vinh (TP.Phan Rang, Tháp Chàm). Điều đặc biệt là tuy rước y trang ở 3 địa điểm khác nhau song cùng cử hành vào 1 thời điểm nhất định với lễ thức giống nhau.

Đại lễ diễn ra tại đền tháp, sau đó đến làng xã rồi lan tỏa vào từng dòng tộc, gia đình. Trình tự Katê được người Chăm sắp xếp theo nghi thức cầu cúng trời đất rồi đến thần linh, sau đó mới cúng tổ tiên ông bà. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, nghi lễ Katê biểu hiện cấu trúc lưỡng hợp – âm dương – sự đối lập trong mối liên kết nam thần và nữ thần, trời và đất, cha và mẹ, vùng cao và vùng thấp…, đó là nét đặc trưng trong quan niệm tín ngưỡng của người Chăm.

Ba ngày tết, dù ai đi đâu, ở đâu cũng sắp xếp thời gian về làng, tề tựu cùng gia đình, hàn huyên với bạn bè. Katê cũng là dịp mà cả làng cùng nhau lắng nghe và chia ngọt, sẻ bùi; nhờ thế cộng đồng dân cư ngày càng gắn kết, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. Lễ hội Katê thể hiện niềm tin tín ngưỡng trong dòng chảy văn hóa Chăm, vì vậy không chỉ cuốn hút đồng bào Chăm trong cả nước hành hương về Ninh Thuận, mà còn hấp dẫn du khách bốn phương.

Lao động

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.