Hội đàm Ukraine-Pháp-Đức: Hy vọng về một thỏa thuận đình chiến

Tổng thống Ukraine nhận định rằng cuộc hội đàm ba bên ngày 5/2 cùng Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp nhằm chấm dứt khủng hoảng Ukraine đã tạo ra “hy vọng cho một thỏa thuận đình chiến”.

Theo hãng tin BBC, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bay tới Ukraine trong ngày 5/2 để trình bày một kế hoạch hòa bình mới, giải pháp ngoại giao lớn nhất từ trước đến nay, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đang leo thang tại đông Ukraine.

Trong một thông cáo ngày 5/2, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho hay cuộc hội đàm với Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande đã “tạo ra hy vọng… cho một thỏa thuận đình chiến”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vàTổng thống Pháp Francois Hollande

Ông Poroshenko cũng cảm ơn hai vị lãnh đạo Pháp và Đức về chuyến thăm Kiev trong “một thời điểm khẩn cấp” như hiện nay.

BBC cho biết Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel không công bố bất kỳ một thông tin nào về cuộc gặp hôm qua với Tổng thống Poroshenko. Hiện họ đang bay đến Nga để tiếp nối hành trình được cho là đã được lên kế hoạch vội vã.

Trước chuyến thăm, Tổng thống Pháp đã phát biểu tại một cuộc họp báo: “Tôi và Thủ tướng Đức Merkel đã quyết định sẽ đề ra một sáng kiến mới để giải quyết khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi sẽ đưa ra một đề xuất mới cho vấn đề này dựa trên toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

“Sau đó, chúng tôi sẽ thảo luận về đề xuất mới với Tổng thống Nga tại Mátxcơva trong ngày 6/2 bởi chúng tôi có rất ít thời gian”, ông Hollande nói thêm.

Theo Tổng thống Pháp, sáng kiến chung Pháp-Đức hướng tới soạn ra một thỏa thuận mà tất cả các bên “đều có thể chấp nhận được”.

Tuy nhiên, ông Hollande cũng cảnh báo rằng, “các nỗ lực ngoại giao không thể kéo dài không hạn định được”. Ông cũng khẳng định Pháp không ủng hộ Ukraine gia nhập tổ chức quân sự NATO.

Chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp tới Kiev diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Kiev để thảo luận về những cải cách kinh tế và khủng hoảng tại miền Đông nước này. Nhiều nguồn tin cho rằng, vấn đề viện trợ vũ khí sát thương cũng được nêu ra trong chuyến công tác của Ngoại trưởng Kerry đến Kiev ngày 5/2.

Những động thái ngoại giao trên được tiến hành trong bối cảnh cuộc khủng hoảng miền đông Ukraine hiện đang diễn biến theo chiều hướng rất xấu. Sau khi các cuộc hòa đàm tại Minsk (Belarus) hồi cuối tháng 1 vừa qua thất bại, xung đột tiếp tục leo thang mạnh mẽ tại vùng chiến sự miền đông Ukraine.

Tại đây, đạn pháo vẫn liên tục rơi xuống làm hơn 220 dân thường thiệt mạng, chỉ tính riêng trong 3 tuần gần đây. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraine từ khi bùng nổ đến nay đã cướp đi hơn 5.350 sinh mạng./.

Dân trí

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.