ĐBSCL đạt sản lượng thủy sản 2,8 triệu tấn

Chín tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 2,8 triệu tấn, tăng 140.000 tấn so cùng kỳ năm ngoái.

Trong 2,8 triệu tấn kể trên, có 1 triệu tấn thu được từ khai thác và 1,8 triệu tấn do nuôi trồng, tổng giá trị 34.500 tỷ đồng. Hai tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau dẫn đầu với sản lượng đạt 830.000 tấn, chiếm gần 30% tổng sản lượng toàn vùng.

Những rổ cá trên khoang tàu, sản phẩm từ biển của ngư dân Kiên Giang tại cảng An Thới, Phú Quốc.

Lượng thuỷ sản nói trên là nguồn nguyên liệu dồi dào cung ứng cho các nhà máy trong vùng chế biến và đã xuất khẩu đạt giá trị trên 3,4 tỷ USD, tăng 19% so cùng kỳ năm 2013.

Để đạt kết quả tăng cả sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu trên là nhờ các địa phương tại khu vực này đã đầu tư, tăng số tàu đánh bắt xa bờ có công nghệ, thiết bị khai thác tiên tiến; xây dựng các đội tàu lớn cũng như hệ thống hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại nhằm khai thác hải sản xa bờ hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương tại đây đã đưa diện tích nuôi thủy sản lên gần 800.000 ha, nhiều nhất là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và nhiều loại cá nước ngọt khác tập trung tại các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ.

Những mô hình như SQF 1000, VietGAP hay GlobalGAP được chú trọng áp dụng mở rộng; việc đào tạo nhân lực phục vụ cho nuôi trồng, khai thác và chế biến có trình độ chuyên môn cao cũng được thực hiện đồng bộ. Việc quản lý môi trường nước vùng nuôi, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cũng như quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế luôn được chú trọng thực hiện tốt.

Song song với đó, các địa phương cũng hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng tốt các đòi hỏi khắt khe của thị trường quốc tế; mở rộng hệ thống thông tin thị trường, quảng bá, tiếp thị đối với từng nhóm sản phẩm nhằm tiêu thụ hết sản phẩm làm ra.

Tại thị trường nội địa, ngoài việc mở rộng, tập trung xây dựng thương hiệu thủy sản gắn với tiêu chuẩn chất lượng của từng sản phẩm chủ lực; vận động các doanh nghiệp mở rộng xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết, ký hợp đồng bao tiêu nguyên liệu của các đơn vị, hộ cá thể. Ngoài ra, người nuôi còn có điều kiện mở rộng tiêu thụ nội địa thông qua các kênh như: chợ, nhà hàng trong vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ các sản phẩm thủy sản tươi sống, phi lê, đông lạnh với số lượng 1.500 tấn mỗi ngày nên thủy sản hàng hóa không bị tồn đọng.

Uyên Linh (Báo Đầu Tư)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.