Đập thủy điện đe dọa sông Mê Công

Hệ sinh thái mất cân bằng, cuộc sống người dân xung quanh dòng sông Thanlwin (Myanmar) bị đe dọa nghiêm trọng là hậu quả do các đập thủy điện của Trung Quốc xây trên thượng nguồn sông Mê Công gây ra. Tại hội thảo mới diễn ra ở Myanmar, nhiều chuyên gia chỉ trích tham vọng đẩy mạnh phát triển không bền vững của nhiều quốc gia.

Mất cân bằng sinh thái của sông Mê Công đã giết chết nhiều loài cá.

Môi trường bị hủy diệt

Hội thảo do Ủy ban Năng lượng tái tạo Myanmar (Ream), Mạng lưới sinh thái và năng lượng vùng Mê Công (Mee Net) và Liên minh khu vực hồi phục hệ sinh thái (Terra) kết hợp tổ chức ở Đại học Moulmein, Myanmar đã thu hút 200 học giả và các chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực môi trường. Nhóm các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan chứng minh người dân ở khu vực sông Mê Công bị thiệt hại nặng do các con đập quy mô ở thượng nguồn.

Theo báo cáo riêng đối với trường hợp của sông Thanlwin, do các đập thủy điện của Trung Quốc xây trên thượng lưu sông Thanlwin, ngoài hệ quả dòng nước bị cạn kiệt, các chuyên gia còn tố cáo tình trạng ô nhiễm hóa chất do các tập đoàn công nghiệp Trung Quốc đổ chất phế thải ra sông. Không chỉ nông dân và ngư dân bị ảnh hưởng mà những hóa chất từ các nhà máy từ thượng nguồn đổ xuống với hàm lượng độc tố cao đã phá hủy hệ sinh thái của khu vực hai bên dòng sông.
Nhìn thấy rủi ro và chứng kiến những tác hại như thế nhưng Chính phủ Myanmar vẫn lên kế hoạch cho 6 con đập riêng của mình. Theo Burma News, 2 trong số 6 con đập sẽ được xây ở bang Shan trong khi những con đập còn lại được xây ở Kayah và Karen State.

Các chuyên gia cho biết, việc xây các đập thủy điện ở thượng nguồn sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là làm mực nước hạ nguồn tăng cao, cây trồng và các loài sinh vật sống trong môi trường này bị hủy diệt. Các nhà nghiên cứu ở Myanmar đã gửi đơn phản ánh đến quốc hội nước này để cảnh báo về thảm họa sinh thái mà người dân nước này phải gánh chịu.

Ngư dân Thái Lan phản đối xây các con đập gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái quanh dòng sông Mê Công.

Viễn cảnh bi quan

Khu vực quanh dòng sông Mê Công là nơi sinh sống của trên 40 triệu người và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước ven sông. Mê Công là con sông lớn thứ 12 trên thế giới chảy qua 6 quốc gia (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam).

Cuối những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch xây ít nhất 7 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Công và nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 đập. Song song đó, Lào và Campuchia cũng lập kế hoạch xây dựng 12 đập trên dòng chính sông Mê Công.

Năm 2011, Lào tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mê Công. Tháng 9-2013, Chính phủ Lào đã đưa ra thông báo quyết định xây dựng dự án thủy điện Don Sahong với công suất 260MW trên dòng chính sông Mê Công ở vùng Siphandone, tỉnh Champasak, Nam Lào.

Theo trang e360.yale.edu, các nhà nghiên cứu, khoa học trong khu vực đều có chung nhận định, việc xây đập thủy điện Don Sahong có nguy cơ gây ra những thay đổi không thể phục hồi đối với các hệ sinh thái độc đáo trong khu vực thác Khone (trên sông Mê Công, nằm trong tỉnh Champasak của Lào gần biên giới với Campuchia).

Các đập thủy điện ở Trung Quốc và các hồ chứa ở Thái Lan, Lào, Campuchia sẽ làm giảm tốc độ dòng chảy tự nhiên của sông, làm bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ, gây xói lở các đoạn sông hạ lưu. Từ đó, dinh dưỡng sông giảm, ảnh hưởng đến chu trình sinh sản và sinh trưởng của các loài cá, tác động đến sinh kế của người dân ven sông.

Ủy hội sông Mê Công dự đoán, đến gần 880.000 tấn cá tự nhiên sẽ bị hao hụt, chiếm 42% sản lượng hiện nay. Ước tính hơn 100.000 người phải di dời vì không thể thích nghi được với những thay đổi khắc nghiệt.

NHƯ QUỲNH/SGGP Online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.