Chốt các nội dung về phương án thi “hai trong một” kể từ năm 2015

Thí sinh phải thi tối thiểu bốn môn, kỳ thi do các trường đại học phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo tổ chức vào giữa tháng 6… Đó là những thông tin mới nhất xung quanh việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia vào năm 2015 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại buổi họp báo chiều nay, ngày 9/9.

Năm 2015, công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Kết quả của kỳ thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.

Thi tối thiểu 4 môn

Theo đó, mỗi thí sinh sẽ phải dự thi ít nhất 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của Kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường đại học, cao đẳng quy định trong đề án tuyển sinh của trường. Đề án này được các trường công bố trước ngày 1/1 hàng năm.

Với những học sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ. Thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ

Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận, thời gian thi 180 phút. Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Kỳ thi được tổ chức hằng năm vào trung tuần tháng Sáu. Năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng Sáu.

Đổi mới đề thi

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở.

Nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Cụ thể, Bộ sẽ tổ chức Kỳ thi với đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng thí sinh không nên lo lắng vì nội dung thi nằm trong chương trình. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với hướng ra đề trên, trước mắt chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức mới ngoài chương trình phổ thông. Vì vậy, thí sinh yên tâm học tập, không hoang mang, lo lắng. Lãnh đạo Bộ khẳng định những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho học sinh nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.

Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với việc tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó để bắt đầu từ năm 2017 sẽ có một số bài thi tích hợp.

Thi trước, đăng ký chọn trường sau

Thí sinh sẽ thi Kỳ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.

Căn cứ kết quả thi, Bộ sẽ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế.

Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường đại học, cao đẳng và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.

Đây là điểm rất mới của kỳ thi “hai trong một” sẽ tổ chức năm 2015. Giải thích việc tách khâu thi và khâu xét tuyển, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết điều này nhằm tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường đại học, cao đẳng phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn có thể trượt đại học.

Trường đại học tổ chức thi

Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là khâu tổ chức thi.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đảm bảo tính nghiêm túc, tính chính xác, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi, sẽ bố trí tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi tập trung.

Bộ sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực.

Tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì.

Xử nặng trường hợp vi phạm quy chế

Cùng với việc phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết công tác thanh tra sẽ được tăng cường để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy ra. Đặc biệt, Bộ sẽ cương quyết xử lý nặng đối với các trường hợp vi phạm quy chế thi của cán bộ, giáo viên và thí sinh.

Bên cạnh đó, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ sẽ được tính toán sử dụng ở mức độ phù hợp để tăng cường tính bảo mật, an toàn trong tổ chức thi và độ tin cậy của kết quả thi.

Cụ thể là Bộ sẽ điều chỉnh, bổ sung quy chế thi. Việc ra đề thi sẽ vẫn do Bộ đảm nhận. Bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lý thi quốc gia dùng chung cho cả nước.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tổ chức thi sẽ đòi hỏi trách nhiệm cao hơn đối với các hội đồng thi, công tác chấm thi cũng sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn nhưng tất cả những khó khăn này đều có giải pháp để giải quyết triệt để với trách nhiệm cao nhất của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp./.

VietnamPlus

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.