“Cát tặc” lộng hành trên sông Tiền

Sau thời gian lắng dịu, hiện nay tình trạng khai thác cát sông trái phép ở tỉnh Tiền Giang rất đáng báo động.

Dù các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng hiệu quả của công tác này chưa cao. Hiện tại, có nhiều đối tượng vẫn lén lút khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng trên sông Tiền.

Hiện nay, người dân ở cồn Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho rất lo ngại tình trạng sạt lở ven sông Tiền ngày càng nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính là do các phương tiện khai thác cát gần bờ. Dù biết khu vực cấm khai thác cát nhưng các đối tượng từ trong tỉnh và từ Bến Tre qua vẫn lén lút đến bơm hút cát.

Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ngang nhiên
Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ngang nhiên

Ông Nguyễn Văn Tặng, ở ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, hộ dân sống gần sông Tiền nói: “Ở đây, số sà lan có trọng tải lớn và ghe không biết ở đâu đến hút cát gần bờ vào ban đêm. Sà lan mà hút cát vậy, ảnh hưởng rất lớn vì con đê của tập thể hàng năm phải tu bổ, mà bị sạt lở, có những đoạn bị vỡ nữa. Dân Thới Sơn đề nghị các cấp chính quyền ngăn cấm khai thác cát bừa bãi, nếu trường hợp bị bắt phải xử lý thỏa đáng”.

Tại các khu vực khác trên sông Tiền như ven cồn Tân Phong – Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), Cồn Tròn (huyện Cái Bè) và cả khu vực gần cầu Mỹ Thuận… cũng thường tái diễn nạn bơm, hút cát trái phép. Trước tình trạng này, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt các trường hợp vi phạm.

Chỉ trong năm nay, lực lượng thanh tra thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảnh sát môi trường và các huyện, thành phố đã tổ chức trên 100 cuộc thanh tra đột xuất.

Qua đó, phát hiện 56 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt này còn nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các đối tượng khai thác cát trái phép.

Ông Lê Dũng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang, đại biểu HĐND tỉnh cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều người rất bức xúc trước công tác phối hợp xử lý “cát tặc” của các ngành chức năng.

“Hiện nay cử tri nói rằng các ghe lấy cát vẫn chưa giảm. Có điều họ không công khai lấy ban ngày mà lấy ban đêm. Khi lực lượng chức năng chuẩn bị lên đường thì các ghe cát này “án binh, bất động”. Tức là các ghe cát này biết được lực lượng chức năng có đến hay không, như thế này người ta cho là không hiệu quả. Đây là điều rất xót xa”, ông Dũng nói.

Theo khảo sát của ngành chức năng, Tiền Giang hiện có 33 mỏ cát với diện tích 1.600 ha và trữ lượng khai thác trên 37 triệu m3. Đến nay, phần lớn các mỏ cát đã khai thác tối đa. Toàn tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp còn giấy phép khai thác cát. Tuy nhiên, có đến hàng trăm phương tiện lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh đến sông Tiền khai thác cát ngoài vùng quy hoạch. Dự kiến năm 2016, Tiền Giang sẽ tạm dừng cấp phép khai thác cát.

Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng: việc khai thác cát trái phép hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và “trận chiến” với cát tặc không hề đơn giản.

Hướng tới tỉnh sẽ có quy chế phối hợp với các tỉnh lận cận như Bến Tre, Vĩnh Long để chống “cát tặc”. Trước mắt phải thành lập các lực lượng đặc biệt do ngành công an làm nòng cốt, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cát sông là nguồn tài nguyên có hạn. Việc khai thác cát trái phép vừa làm thất thoát nguồn tài nguyên này, gây thất thu ngân sách đồng thời gây sạt lở bờ sông. Do đó, các ngành, các cấp ở tỉnh Tiền Giang cần có biện pháp phối hợp đồng bộ và hữu hiệu hơn để bảo vệ tài nguyên cát, bảo vệ các dòng sông, giảm được nguồn kinh phí khắc phục sạt lở đáng báo động như hiện nay./.

Nhật Trường/VOV

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.