10 năm mang tri thức đến với người dân

Sau 10 năm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, hệ thống thư viện công cộng Cần Thơ dần hoàn thiện về cơ sở vật chất, nhiều mô hình hiệu quả đã đưa tri thức lan tỏa từ đô thị đến ngoại thành. Những kết quả mang lại đã góp phần cụ thể hóa Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” với mục tiêu: “Tạo lập môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh, xây dựng con người Cần Thơ trí tuệ – năng động – nhân ái – hào hiệp – thanh lịch”.

Hệ thống thư viện công cộng mở rộng, phủ kín

Với sự quan tâm đầu tư của thành phố, đến năm 2007, toàn bộ hệ thống TV quận, huyện đã phủ kín, tập trung xây dựng mới các thư viện xã phường. Theo thống kê của thư viện TP Cần Thơ (TPCT), hiện nay, toàn thành phố có 29 thư viện, 32 phòng đọc sách và hàng trăm tủ sách, hướng đến phục vụ nhiều đối tượng độc giả như: thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số… Mỗi năm, hệ thống thư viện của thành phố được bổ sung khoảng 20 ngàn đến 22 ngàn bản sách, trong đó thư viện TPCT bổ sung từ 10 ngàn đến 12 ngàn bản. Hiện, thư viện TPCT có khoảng 210 ngàn bản sách.

Thư viện xã phường đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của nhân dân địa phương. Tiêu biểu như thư viện phường Hưng Phú, quận Cái Răng nằm trong Nhà văn hóa phường, được lắp đặt bàn ghế ngăn nắp, khoa học, cơ sở vật chất rất khang trang. Thư viện có hơn 1.500 đầu sách báo các loại, đa dạng về nội dung nên thu hút độc giả. Bà Trần Thị Hồng Thúy, cán bộ quản lý Nhà văn hóa, cho biết: “Mỗi tháng thư viện phục vụ khoảng 1.000 lượt độc giả. Chủ yếu bà con đến đọc báo và tìm kiếm sách tham khảo pháp luật”.

Ở phường cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, người dân rất khó khăn trong việc tiếp cận sách báo do cách trở sông nước. Thư viện phường là nơi nhiều người lựa chọn đến để tìm thông tin nông nghiệp, khoa học, thời sự và giải trí. Đây là thư viện cấp phường lớn và hoạt động hiệu quả của thành phố với gần 4 ngàn đầu sách, báo và phục vụ hơn 1 ngàn lượt độc giả mỗi tháng, giải quyết tình trạng “đói” thông tin cho bà con trên đất cù lao.

Năm 2013, thư viện TPCT dành hơn 70 triệu đồng để nâng cấp, bổ sung sách vở cho các tủ sách trong các chùa Khmer và tổ chức tập huấn nghiệp vụ thư viện cho các sư, người quản lý tủ sách của nhà chùa. Cuối tháng 4 vừa qua, thư viện TPCT đã ký kết hợp tác với Hội Người mù TP Cần Thơ về việc thành lập phòng đọc sách cho người khiếm thị với hơn 700 đầu sách chữ nổi, sách nói…

Hằng năm từ các nguồn kinh phí: ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ… Thư viện TPCT đã dần hoàn thiện cơ sở vật chất, bổ sung sách báo và luân chuyển sách báo về cơ sở, hoạt động có hiệu quả, phục vụ bà con tận vùng sâu, vùng xa…

“Tạo đôi chân cho sách”

Thực hiện Nghị quyết Trung ương V – khóa 8 về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Kế hoạch của Ban Bí thư về đưa sách về cơ sở năm 2010, hệ thống thư viện của TP Cần Thơ đã có nhiều mô hình, cách làm hay nhằm “tạo đôi chân cho sách”.

Quán cà phê sách pháp luật Thành Long thu hút rất đông khách

Đến quán cà phê Thành Long (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) vào một sáng đầu tuần, chúng tôi chứng kiến nhiều khách là nông dân, mang theo cả nông cụ đến quán để vừa thưởng thức cà phê vừa đọc sách báo, trước khi ra đồng. Đây là quán cà phê được ngành văn hóa quận Thốt Nốt chọn thực hiện mô hình cà phê pháp luật hơn 2 năm nay. Nhờ có quán cà phê này mà bà con nông dân ở khu vực Đông Bình có điều kiện tiếp cận với sách báo hằng ngày. Ông Trương Thành Long, chủ quán, nói: “Do có sách báo nên quán cà phê của tôi khá đông khách. Khi đọc được mẩu chuyện hay, đáng suy ngẫm thì bà con bàn tám rôm rả lắm”. Để duy trì mô hình, thư viện quận Thốt Nốt thường xuyên thay đổi sách, bổ sung cho quán để đáp ứng nhu cầu của bà con.

Trung tâm nuôi dưỡng người già, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa quận Thốt Nốt có điểm sách báo cộng đồng phục vụ các an dưỡng viên của trung tâm. Từ khi trung tâm hoạt động tháng 3-2012, Ban giám đốc Trung tâm đã đề xuất thư viện Thốt Nốt trang bị tủ sách báo phù hợp với tuổi già. Mô hình này rất hiệu quả khi giúp các an dưỡng viên có thêm niềm vui. Đáng phấn khởi là điểm sách báo này còn thu hút khá đông nhân dân xung quanh, học sinh Trường THPT Thốt Nốt và bệnh nhân của Trạm Y tế phường Thuận An… đến đọc.

Hiện nay, hầu như 9 quận, huyện của TP Cần Thơ có nhiều mô hình đưa sách về cơ sở như: Tủ sách phụ nữ, tủ sách pháp luật, tủ sách khuyến nông, cà phê sách báo pháp luật… Toàn thành phố có trên 100 quán cà phê pháp luật hoạt động hiệu quả: chủ quán có điều kiện thu hút khách – khách có điều kiện bổ túc thông tin – ngành chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đưa sách về cơ sở, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Mối dây liên kết hữu cơ này đã giúp các mô hình ngày càng lan rộng.

Hướng tới của thư viện TPCT là đưa sách đến các cơ sở, trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở thờ tự (đình, chùa…). Sau thành công với tủ sách tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục lao động xã hội và Quản lý sau cai nghiện TP Cần Thơ, Thư viện đã vận động xã hội hóa hơn 30 triệu đồng để triển khai 2 tủ sách tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiên Ân và Trung tâm Nuôi dưỡng người già Cần Thơ, dự kiến sẽ lắp đặt trong tháng 5 này./.

Baocantho

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.