Phân bón giả hoành hành gây hỗn loạn thị trường

347e9b424e8292943836996d4648f148

Hiện cả nước có hơn 7.000 loại phân bón được sản xuất bởi hơn 1.000 cơ sở khác nhau. Việc sản xuất chủ yếu theo hình thức tự phát, thiếu sự quản lý dễ dẫn đến phát sinh phân bón giả, kém chất lượng. Để phát triển nông nghiệp, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, đã đến lúc phải lập lại trật tự thị trường phân bón.

Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam là tiêu đề của Hội thảo quốc gia do Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Ban chỉ đạo quốc gia 389 đồng phối hợp tổ chức ngày 28-9 tại Hà Nội.

Bán phân bón giả chất lượng còn kém đất

Theo ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, sản xuất phân bón trong nước có tốc độ tăng trưởng mạnh. Hàng năm cung ứng ra thị trường hàng chục triệu tấn phân bón các loại với hàng nghìn chủng loại, nhãn hiệu phân bón lưu thông trên thị trường. Hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón đăng ký mới mỗi năm

Tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho công tác quản lý và gây tâm lý bất an, bức xúc trong nông dân

Tình hình sản xuất phân bón giả bằng công nghệ “cuốc, xẻng”, nhái nhãn mác, bao bì của các thương hiệu nổi tiếng đã giảm đi rõ rệt. Nhưng thay vào đó, phân bón không bảo đảm về chất lượng đã và đang nở rộ trên thị trường. Gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.

Thị trường phân bón có đến hàng nghìn chủng loại, nhãn hiệu phân bón. “Câu hỏi đặt ra là cần khoảng bao nhiêu chủng loại phân bón là đủ để người nông dân dễ nhận biết, chọn lựa và sử dụng có hiệu quả?”, ông Đoàn đặt câu hỏi.

Theo các con số điều tra chưa đầy đủ trong các năm qua được Hiệp hội Phân bón Việt Nam cung cấp, cả nước có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, bán ra trên 48 tỉnh thành. Điển hình như: Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dinh dưỡng 53%, nhưng kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%.

Công ty CP Quốc tế Đông Trung đa yếu tố (Lâm Đồng), công ty này đăng ký hàm lượng trên giấy phép và bao bì NPK 53%, nhưng khi kiểm tra tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 8,2%.

Công ty Đông Hải (Đà Nẵng) trên giấy phép bao bì đăng ký NPK tổng hàm lượng dinh dưỡng 53% nhưng khi kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt gần 3%.

Một công ty khác mang cái tên đầy tin tưởng, đó là công ty CP Đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Pháp Hà Nội cũng bị phát hiện 600 tấn phân bón NPK, nhiều bao bì giả mạo in tên các công ty phân bón uy tín trên thị trường như của công ty Bình Điền, Phú Mỹ, Lâm Thao, Cà Mau…

Theo kết quả giám định mẫu tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thành phần chính trong phân NPK tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 1,9%, còn lại là… bột đá vôi.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, sản xuất kinh doanh phân bón kiểu này không khác nào đem đất bán cho nông dân. Vì bản thân đất tự nhiên ở nước ta rất nhiều vùng tự nó đã có hàm lượng các dinh dưỡng… tương tự như phân bón giả nói trên.

phan-gia
Phân bón giả (bên trái) và thật (phải), không phải nông dân nào cũng biết. Ảnh: Tư liệu tại Hội thảo.

Có lợi ích nhóm trong thị trường phân bón

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương thừa nhận, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã tồn tại trong thời gian dài và có nhiều diễn biến phức tạp, gây tổn thất cho người nông dân.

Do chạy theo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và cả tổ chức chứng nhận, thử nghiệm chất lượng phân bón cố tình vi phạm quy định của pháp luật, trực tiếp hoặc gián tiếp đưa phân bón giả, phân bón kém chất lượng xâm nhập vào thị trường.

Các hành vi sản xuất phân bón giả khá đa dạng: giả về công dụng, giả về chất lượng, giả nhãn mác của các đơn vị lớn… Việc số lượng cơ sở sản xuất phân bón NPK tăng nhanh một mặt giúp người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn được nhiều sản phẩm và giá cạnh tranh hơn, tuy nhiên đã tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ các loại phân bón giả.

Ngoài ra, ông Thanh cho biết, còn tồn tại hiện tượng các đại lý bán vật tư nông nghiệp thường áp dụng chính sách bán thiếu, bán “gối đầu” theo mùa vụ cho nông dân, nghĩa là sẵn sàng cho nợ đến khi thu hoạch mới trả tiền vật tư. Do vậy, người nông dân không có sự lựa chọn nào khác mà chỉ trông chờ vào “lương tâm” của các đại lý, không “có quyền” đòi hỏi phải được cung cấp các mặt hàng phân bón có chất lượng.

Một con số đáng ngạc nhiên, cho thấy sự bát nháo của thị trường phân bón có sự buông lỏng của cơ quan quản lý và một vụ việc được phát hiện không phải do Bộ Công Thương – cơ quan quản lý Nhà nước về phân bón mà là Bộ NN&PTNN. Theo đó, Thanh tra Bộ này đã có báo cáo kết luận số 235 ngày 28-4-2016kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định, thì 100% đơn vị này đều vi phạm các nghị định, thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón.

Cả 11 trung tâm này đều không thực hiện đầy đủ các Nghị định 80 CP, Nghị định 202 về quản lý phân bón, các Thông tư 08 và 09/2009 của Bộ KH&CN và các Thông tư số 16, số 32, số 40-41 và số 55/2012/T-BNN-PTNT. 11 trung tâm đã cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm định là tổ chức khoa học mang tính công bằng, pháp lý mà sai phạm như trên, hậu quả cuối cùng người nông dân phải gánh chịu. Hiện, Bộ Công an đã khởi tố một số vụ; Bộ NN&PTNT đã kỷ luật một số vụ. Và cả 11 đơn vị này đều đang được đề nghị tước giấy phép hoạt động.

Tại hội thảo cũng như cuộc họp báo diễn ra hai ngày trước đó, nhiều đại biểu khẳng định rằng có lợi ích nhóm trong tiêu thụ phân bón. Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả Việt Nam, có hiện tượng bảo kê của các lực lượng chức năng và địa phương đối với thị trường phân bón. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hạc Thúy cho rằng sự bảo kê các lực lượng thi hành công vụ đã tiếp tay cho gian thương. Tuy nhiên, để nêu ra những trường hợp cụ thể thì cơ quan điều tra cần vào cuộc.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Lương Quốc Đoàn cũng thừa nhận tình trạng buông lỏng quản lý, không xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, lợi ích nhóm, bảo kê, bao che còn phổ biến ở nhiều địa phương. Việc giao cho hai Bộ cùng quản lý về phân bón dẫn đến việc quản lý mặt hàng phân bón càng phức tạp nhưng lại lỏng lẻo hơn.

Ngoài ra, khi thực hiện Luật thuế số 71 đã nảy sinh những vướng mắc, bất cập giá thành sản xuất phân bón tăng lên. Do vậy, nông dân vẫn phải mua phân bón giá cao hơn và không được hưởng lợi như mục tiêu ban đầu đặt ra khi xây dựng Luật.

bat-phan-bon
Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh bắt giữ một vụ sản xuất phân bón kém chất lượng tại huyện Bình Chánh. Ảnh: tư liệu tại Hội thảo.

THẢO LÊ

Link: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/30827502-phan-bon-gia-hoanh-hanh-gay-hon-loan-thi-truong.html

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.