Không chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó bão Tembin

Lúc 17h chiều 24/12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phía Nam về công tác ứng phó bão Tembin (bão số 16). Tại cầu truyền hình Thành phố Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ tham dự và chủ trì hội nghị trực tuyến.

Lãnh đạo Thành phố Cần Thơ và các sở, ngành, các quận huyện tham dự hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó bão Tembin. (Ảnh: H.VĂN/Báo Cần Thơ)

Theo Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT), vào khoảng 9-10 giờ đêm 23/12, bão Tembin đã đổ bộ vào biển Đông, chính thức trở thành cơn bão số 16. Đây là cơn bão rất mạnh, đã làm hàng trăm người chết và mất tích ở Philipine. Bão đang ở cấp độ 11-12, hướng thẳng vào Tây Nam Bộ, di chuyển rất nhanh với cường độ lớn và đặc biệt nguy hiểm.

Hiện nay, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đang lo ngại bởi ĐBSCL có địa hình bằng phẳng, nếu bão Tembin tàn phá sẽ gây ra nhưng tổn thương rất lớn, vì đây là khu vực có dân cư rất đông, hoạt động kinh tế rất đa dạng. Trong vùng còn có trên 20.000 ha lúa mùa và lúa thu đông đang giai đoạn thu hoạch; vùng sản xuất, nuôi trồng thủy sản trọng điểm của cả nước và cũng ngay mùa khai thác đánh bắt của ngư dân. Ngoài ra, khu vực này có 23 điểm sạt lở xung yếu, trong khi hệ thống đê biển chỉ chịu đựng được bão cấp 10… Do đó, Công tác ứng phó là vấn đề quan trọng, cấp bách cần các địa phương nghiêm túc thực hiện.

Đến thời điểm này các địa phương đã và đang triển khai phương án ứng phó bão Tembin. Tại tỉnh Cà Mau, công tác tập trung tuyên truyền, ứng phó với bão Tembin đang được các ngành chức năng nỗ lực thực hiện. Hiện toàn tỉnh có 3.465 tàu thuyền với 22.049 lao động, trong đó, địa phương đã kêu gọi 3.002 tàu cá vào nơi an toàn với 18.721 người. Còn lại 463 tàu, với 3.382 người còn hoạt động trên biển.

Tỉnh đã liên lạc được với tất cả những phương tiện này và yêu cầu khẩn trương vào bờ trú bão. Trong số này có 125 tàu với 916 người xin tránh trú bão tại Malaysia và Thái Lan. Thời điểm này, Cà mau đã có 12.432 căn nhà được chằng chống, trong đó tỉnh đã quyết định xuất kinh phí hỗ trợ cho 17.000 hộ nghèo mua dây chằng chống nhà, công việc này vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Tỉnh cũng đã chỉ đạo cho người lao động tại các xí nghiệp và học sinh nghỉ học và nghỉ làm việc từ sáng 25 đến hết ngày 26-12-2017…

Hướng đi của cơn bão. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Thành phố Cần Thơ chịu ảnh hưởng trực tiếp hoàn lưu bão Tembin nên có mưa vừa, có nơi mưa to kèm theo gió giật mạnh và lốc xoáy trong ngày 25 và 26/12/2017. Thành phố cũng đã triển khai các văn bản chỉ đạo ứng phó của Trung ương và thực hiện kế hoạch phòng tránh đến từng địa phương. Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận huyện quán triệt và nắm bắt diễn biến bão để thực hiện phương án ứng phó có hiệu quả nhất. Trong đó lấy phòng tránh là chính, tổ chức chằng chống nhà cửa, tổ chức di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, thực hiện nhiều giải pháp không để thiệt hại về người xảy ra…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ quyết định chiều ngày 25/12 (sau khi học buổi sáng) học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố tạm nghỉ học đến hết ngày 26/12/2017 để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra; các hoạt động tàu thuyền du lịch, buôn bán trên sông Hậu, sông Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng… tạm ngưng hoạt động từ chiều 25-12 đến khi hết bão; phương tiện vận tải thủy phải giảm tải khi lưu thông trên sông, rạch…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Bộ ngành Trung ương, các địa phương theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão để triển khai ứng phó đạt hiệu quả cao nhất; nghiêm túc thực hiện các biện pháp di dời dân đến nơi an toàn; kiểm đếm tàu thuyền còn hoạt động trên biển và kêu gọi vào bờ trú ẩn; thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan và đưa người lao động ra khỏi khu vực nguy hiểm; huy động mọi lực lượng sẵn sàng ứng cứu và hỗ trợ nhân dân trước, trong và sau khi bão xảy ra; thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, khẩn trương thu hoạch hoa màu, lúa, thủy sản nhằm giảm thiệt hại do bão…

Thủ tướng cũng yêu cầu tất cả các địa phương dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão. Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, các ngành, các địa phương không chủ quan, lơ là trong công tác phòng tránh để ảnh hưởng đến sinh mạng người dân, đồng thời Thủ tướng lưu ý nhắc lại bài học kinh nghiệp đau xót về bão Linda 1997 vào miền Nam đã làm 3.000 người chết và mất tích. Các địa phương xem đây là bài học để nghiêm túc trong công tác ứng phó bão Tembin…

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đến chiều và tối 24/12, bão Tembin duy trì sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển lên cao 10m đi qua khu vực đảo Trường Sa lớn và Huyền Trân, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Đến 13 giờ ngày 25/12/2017, tâm bão cách Côn Đảo 140km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15.Trong 24 giờ đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau, với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Trên đất liền các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều nguy cơ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Đến 13 giờ ngày 26/12/2017, vị trí tâm bão ngay trên vùng biển Cà Mau và Kiên Giang, sức gió mạnh nhất gần tâm bão là cấp 8, giật cấp 11, sóng biển cao 4 đến 6m. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 20km đến 25km/giờ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

H.VĂN (Báo Cần Thơ)

Link:

http://baocantho.com.vn/khong-chu-quan-lo-la-trong-cong-tac-ung-pho-bao-tembin-a93508.html

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.