Tịnh Biên chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tịnh Biên là một trong 2 huyện có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất tỉnh An Giang. Nhờ những chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho vùng có đông dân tộc thiểu số sinh sống mà đời sống bà con dân tộc Khmer đã khấm khá hơn.

Các tuyến đường được nhựa hóa ở Tịnh Biên.

Ông Trần Quốc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, nhận xét: “Nhờ địa phương thực hiện tốt các chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mà đời sống bà con dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Tịnh Biên phát triển hơn trước. Bằng chứng là hộ nghèo năm 2009 ở Tịnh Biên là 16,03%, trong đó, hộ nghèo DTTS chiếm 6,93%. Đến nay, hộ nghèo toàn huyện còn 12,98%, trong đó, hộ nghèo DTTS là 6,02%”. Có thể nói, kết quả trên là nhờ huyện Tịnh Biên thực hiện các chính sách giảm nghèo của Nhà nước có hiệu quả. Chỉ tính riêng các nguồn vốn vay tín dụng đã có 7.484 hộ được vay để kinh doanh, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt… Bên cạnh đó, có gần 7.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề và có trên 20 ngàn lao động được giới thiệu việc làm có thu nhập ổn định. Ông Huỳnh Văn Khang, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tịnh Biên, cho biết: “Giai đoạn 2, Chương trình 135 của Chính phủ, huyện Tịnh Biên đã được đầu tư hơn 8 tỉ đồng để xây dựng các tuyến đường: Ô Tà Bang (xã An Phú), Xóm Mới (thị trấn Tịnh Biên), Lộ bờ Tây Kênh 3/2 (xã An Nông), ấp Srây Skốth (Xã Văn Giáo),…. Ngoài các tuyến đường, trường học, trạm y tế… được xây dựng từ chương trình 134, 135 của Chính phủ, huyện Tịnh Biên còn lồng ghép các chương trình dự án khác để phát triển hạ tầng cơ sở trên địa bàn. Đến thời điểm này, hầu hết cơ sở hạ tầng ở vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống khá đầy đủ, các tuyến đường giao thông đã nối liền các ấp, xã, thị trấn và trung tâm huyện. Từ đó, tạo thuận lợi để bà con phát triển kinh tế làm nền tảng giảm nghèo”.

Công tác giáo dục cũng được các cấp đặc biệt quan tâm. Toàn huyện hiện có 72 trường, trong đó, có 23 trường mầm non, mẫu giáo; 31 trường tiểu học; 15 trường THCS và 3 trường THPT. Tổng số học sinh Khmer ở các cấp học là 7.947 học sinh, trong đó, có 384 em đang học tại Trường dân tộc Nội trú THCS huyện Tịnh Biên. Số học sinh học tại trường hội trú được hưởng trợ cấp 920.000 đồng/ tháng/ học sinh. Số học sinh còn lại được thực hiện các chính sách miễn giảm học phí, trợ cấp theo qui định của Nhà nước. Ngoài ra, huyện cũng thực hiện tốt chính sách cử tuyển dành cho học sinh DTTS, có 74 học sinh được xét tuyển vào học dự bị đại học, cao đẳng, trong đó, có 32 người đã tốt nghiệp và được bố trí công tác, số còn lại đang học và một số khác công tác ngoài huyện. Để hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, huyện Tịnh Biên cũng đã chỉ đạo cho các xã, thị trấn phối hợp tốt với ngân hàng chính sách cho 2.099 học sinh, sinh viên vay vốn học tập. Nhờ làm tốt công tác giáo dục nên huyện Tịnh Biên đã có được nguồn cán bộ là người dân tộc ở đều khắp các phòng ban, địa phương. Trong đó, có 33 cán bộ chủ chốt ở cơ sở; 177 cán bộ ở khối cơ quan huyện; 128 cán bộ ở các xã, thị trấn và 121 giáo viên là người DTTS.

Ông Huỳnh Văn Khang cho biết thêm, công tác chăm sóc y tế cho đồng bào dân tộc trên địa bàn cũng được huyện quan tâm thực hiện tốt. Hệ thống y tế cơ sở được quan tâm đầu tư đều ở các xã, thị trấn để thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Đặc biệt, các trạm y tế đã xây dựng được lực lượng cộng tác viên y tế ở đều các sroc và thường xuyên vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình, ăn chín uống sôi và chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ… Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm hằng năm và không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Chị Néang Sóc Kha, xã Văn Giáo, nói: “Tôi có hai con gái, muốn kiếm con trai, nhưng cán bộ ấp khuyên đừng sinh thêm để lo cho con đầy đủ vì con trai hay con gái cũng là con mình nên hai vợ chồng không sinh nữa. Nhà nước còn cho vay vốn để tôi mua bán nhỏ, chồng làm ruộng nên hai đứa con cũng vào học tiểu học rồi”.

Ông Trần Quốc Thanh cho rằng, nhờ các địa phương trên địa bàn huyện Tịnh Biên thực hiện tốt các chính sách, chủ trương của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS mà đời sống bà con Khmer trên địa bàn phát triển ổn định. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để bà con Khmer giảm nghèo bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.

Bài, ảnh: Hà Thanh (Baocantho.com.vn)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.