Quốc hội thảo luận Dự án Luật ban hành văn bản pháp luật

Dự án Luật ban hành văn bản pháp luật được Quốc hội thảo luận ở tổ ngày 11/11 vừa qua. Sau khi tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề: Về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự án luật; Về thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản pháp luật; Về tổ chức soạn thảo văn bản pháp luật và Về quy trình thảo luận cho ý kiến và chỉnh lý văn bản pháp luật.

Cho ý kiến về Dự án Luật ban hành văn bản pháp luật có 18 đại biểu phát biểu. Sáng  27/11, có 22 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu về dự án luật này. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành đạo luật và thống nhất về việc hợp nhất Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành một.

Về phạm vi tên gọi và bố cục của dự án luật, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo luật là Luật ban hành văn bản pháp luật như dự thảo đã trình Quốc hội.

Về quy trình xây dựng văn bản pháp luật: Một số ý kiến đề nghị cần coi trọng việc xây dựng chính sách là khâu quan trọng để đảm bảo tính khả thi của pháp luật. Đưa việc thẩm định chính sách cùng với việc thẩm định sáng kiến trình dự án luật vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cần phân định rõ quy trình rút gọn và quy trình đầy đủ, xác định rõ tiêu chí, thủ tục, quy trình, nhất là đối với các văn bản cần ban hành theo thủ tục rút gọn để xử lý linh hoạt các vấn đề thực tiễn đặt ra tuân thủ pháp luật.

Theo phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây là luật rất quan trọng, cho nên sau kỳ họp này, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và Quốc hội sẽ tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo. Trong đó có hội nghị của đại biểu Quốc hội chuyên trách để đóng góp cho dự án luật này trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới./

Thanh Luân

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.