Năm 2014 tiếp tục kiểm soát chặt giá cả và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam

Trong 2 ngày 23 và 24/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình năm 2013, triển khai Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Cần Thơ có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và đại diện các Sở, ngành, quận, huyện.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2013, việc tăng cường các biện pháp điều hành, kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt và chính sách tài khóa hiệu quả đã phát huy tác dụng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng giá tiêu dùng đạt được mục tiêu đề ra và ở mức 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Nền kinh tế từng bước phục hồi với mức tăng trưởng 5,42%, thấp hơn kế hoạch nhưng cao hơn mức tăng trưởng năm 2012. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn thì đây là mức tăng trưởng hợp lý, thể hiện sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, địa phương, đơn vị và toàn dân.

Chính phủ cũng nhận định còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục như lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong những tháng tới. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng triển khai chậm và gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm đáng kể. Đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động mất việc làm, người dân bị thu hồi đất ở, đất sản xuất còn nhiều khó khăn. Tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng còn khá nghiêm trọng.

Thống nhất với đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013, đại biểu cho rằng những chuyển biến tích cực của nền kinh tế thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cùng một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Về nhiệm vụ năm 2014, đại biểu các Bộ, ngành, địa phương đồng tình cao với 9 nhóm giải pháp trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Trong đó có các giải pháp về tiền tệ, tài khóa, phát triển thị trường, kiểm soát giá cả, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng… Một số địa phương đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, tăng cường phân cấp trong quản lý, sử dụng đất. Thực hiện có hiệu quả hơn 3 khâu đột phá chiến lược về cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư hạ tầng. Khẩn trương định hình mô hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, ban hành tiêu chí vùng nông nghiệp công nghệ cao đi kèm với các chính sách đầu tư cho hợp lý. Ưu tiên nguồn lực thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Công Nguyện

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.