Kỷ niệm 69 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 – 23-9-2014): Phấn đấu đi trước, về đích trước

23-9-1945 đi vào lịch sử là Ngày Nam bộ kháng chiến, mở đầu cho cuộc chiến đấu gian lao mà anh dũng trong suốt 30 năm của Sài Gòn, Nam bộ đi trước về sau. Nền độc lập tự do mà Cách mạng Tháng Tám mang lại vỏn vẹn có 28 ngày ngắn ngủi, quý giá. Người dân Sài Gòn, Nam bộ vùng lên cùng cả nước bảo vệ nền độc lập tự do ấy bằng cuộc kháng chiến trường kỳ cho tới ngày vui đại thắng 1975.

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945).

Những ngày này của 69 năm về trước, người dân Sài Gòn và Nam bộ hừng hực khí thế của “Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”, nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần nữa. Nhân dân Sài Gòn đã thực hiện chiến thuật “trong đánh, ngoài vây”, hình thành 4 mặt trận tiền tuyến ở ngoại thành. Các ụ chiến đấu mọc lên ở khắp phố phường, các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả đường. Các cuộc chống trả quyết liệt ở cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Tân Định, cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Chữ Y… Nhân dân Sài Gòn triệt để thực hiện tổng đình công, nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ búa đóng cửa, xe điện ngưng chạy… Vòng vây quân sự cùng với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bất ngờ ngay những ngày đầu kháng chiến. Tiếng súng kháng chiến của Sài Gòn làm chấn động cả nước. Phong trào Nam tiến xuất hiện, thanh niên phía Bắc và Trung bộ tình nguyện vào Nam đánh giặc.

Ngày 27-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến vì độc lập tự do của Tổ quốc với tinh thần “thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Đáp lời kêu gọi của Bác, nhân dân Nam bộ đánh trả quyết liệt, tạo điều kiện củng cố chính quyền, chuẩn bị kháng chiến toàn quốc. Tháng 2-1946, Bác Hồ tặng Nam bộ danh hiệu Thành đồng Tổ quốc.

Tự hào với truyền thống kiên cường của Sài Gòn, của Nam bộ, của tinh thần đoàn kết vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của cả dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn phấn đấu để có những đóng góp xứng đáng vào mục tiêu chung. Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, là một đầu tàu kinh tế, TP luôn năng động, sáng tạo, góp phần có ý nghĩa vào việc xây dựng cơ chế, chính sách đổi mới đưa nước ta thoát khỏi nước nghèo và đang quyết tâm thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. TP đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội được đầu tư xây dựng, bộ mặt TP ngày càng khang trang, hiện đại.

Tuy nhiên, TP cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức: Kinh tế phát triển chưa bền vững; đời sống một bộ phận dân cư còn chưa ổn định; trật tự, an toàn xã hội, an toàn thực phẩm còn là nỗi lo của người dân; tham nhũng, lãng phí còn gây bức xúc, cơ sở hạ tầng vẫn còn quá tải…

Vấn đề đặt ra là cần tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, tránh chung chung, dàn trải, tăng tốc thực hiện có hiệu quả các chương trình, công trình trọng điểm. Cán bộ lãnh đạo – quản lý, đảng viên cùng nhau nêu gương tốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, tận tâm phục vụ nhân dân.

Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, TP cần tăng cường hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

PHẠM PHƯƠNG THẢO (sggp)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.