Chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia: Tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ bỏ khối thi

Trong hội nghị trực tuyến hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ 2014 diễn ra sáng nay, 15-8, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã tiến hành lấy ý kiến về phương án 1 kỳ thi quốc gia dự kiến thực hiện từ năm 2015 với 2 mục đích vừa công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển vào ĐH-CĐ. Hầu hết ý kiến các trường ĐH đều đồng tình là từ năm 2015 chỉ còn 1 kỳ thi, và đều có xu hướng nghiêng về phương án 2, tức là thi theo bài thi. Nhưng các trường cũng rất e ngại về độ trung thực của kỳ thi này.

Thi tốt nghiệp THPT: Chưa phải bài thi tích hợp

Bộ GD-ĐT cho biết, về thi tốt nghiệp THPT, những năm trước mắt, học sinh vẫn tiếp tục học chương trình phổ thông bình thường đến khi áp dụng chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới. Việc đổi mới thi, tuyển sinh sẽ được thực hiện theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào ĐH- CĐ. Những thay đổi tiếp theo có ảnh hưởng đến cách học của học sinh sẽ được thực hiện sau khi có chương trình và SGK mới, ví dụ như bài thi tích hợp.

Về tổ chức kỳ thi một kỳ thi quốc gia, sẽ tổ chức hội đồng thi theo các cụm thi ở từng tỉnh; công tác chấm thi được tổ chức thành các cụm liên tỉnh cho từng vùng; cán bộ coi thi, chấm thi gồm giảng viên ĐH- CĐ và giáo viên phổ thông. Về cấu trúc môn thi, bài thi, trước mắt, dự thảo đưa ra 3 phương án về thi theo môn thi kiểu truyền thống, thi theo bài thi hay kết hợp thi theo môn thi và bài thi. Hướng lâu dài, thi theo bài thi tích hợp. Trước mắt do chưa có chương trình, SGK mới, phương pháp dạy và học của học sinh chưa thay đổi thì các bài thi mới chỉ là sự tổng hợp nhiều môn riêng rẽ chứ chưa phải bài thi tích hợp.

Tuyển sinh ĐH-CĐ: Bỏ khối thi

Về tuyển sinh ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT nêu rõ sẽ bỏ khối thi. Cụ thể, không áp dụng các khối thi như các kỳ thi 3 chung trước đây; các trường ĐH-CĐ thông báo trước những môn thi, bài thi sẽ được sử dụng kết quả để xét tuyển vào từng ngành khác nhau để thí sinh biết và lựa chọn phù hợp.

Với việc, đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, Bộ yêu cầu đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh sự may rủi; cả nhà trường và thí sinh đều phải nỗ lực để đạt được mục tiêu mong muốn. Điểm mới cơ bản về tuyển sinh là quy định đăng ký xét tuyển vào ngành, trường sau khi đã có kết quả thi của kỳ thi quốc gia; từ kết quả kỳ thi, thí sinh có thể sử dụng để xét tuyển cả vào đại học, lẫn cao đẳng.

Về phương án xử lý những thí sinh thi lại đại học, những thí sinh tự do, đã có bằng tốt nghiệp THPT, nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ thì chỉ thi những môn mình lựa chọn để xét tuyển vào các ngành, trường tương ứng.

Yêu cầu thi phải trung thực

Góp ý về nội dung này, tại hội nghị sáng nay, ý kiến của các trường đại học còn rất khác nhau. Một số trường thậm chí đề xuất các phương án khác. Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQH Hà Nội cho rằng, xu hướng tích hợp để còn 1 kỳ thi, bỏ thi đại học theo khối, tiến tới thi tích hợp.. là một định hướng thay đổi quan trọng. “Nhưng chọn phương án nào?. Về bản chất 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra không khác nhau nhiều, chỉ là thi theo môn hay tổ hợp, còn thí sinh vẫn phải thi nặng nề, không có tác dụng nhiều cho các trường ĐH-CĐ”, ông Sơn nhận xét. Vì vậy, ĐHQG Hà Nội cho rằng chỉ cần tổ chức kỳ thi gồm 2 kiến thức về toán và văn. Môn thứ 3 là ngoại ngữ, có thể được tiến hành đa dạng trong thực hiện, thi theo nhiều đợt, có nhiều hình thức đa dạng, có tính đến yếu tố vùng miền. Thi tích hợp văn-toán sẽ thuận tiện hơn cho mục đích kỳ thi, khả thi nhất.

ĐHQG Hà Nội cũng băn khoăn, kỳ thi 2 mục đích liệu thì kết quả đó có trung thực, đáng tin không. “Các trường đại học đang đặt ra vấn đề này, nên chắc chắn họ sẽ có cách đánh giá lại, tức là tổ chức thi để yên tâm hơn với chất lượng của mình. Nếu thế thì 2 mục đích không thành”, ông Sơn cảnh báo. Vì vậy, tương lai thì sẽ hướng đến kỳ thi, trong đó toán- văn tích hợp thành bài thi, cần thiết có thể thi qua hệ thống máy tính để các trường đại học có thể tin tưởng, bảo đảm mục đích của kỳ thi. “Cần hướng đến một bài thi đánh giá năng lực tổng hợp, cần hướng đến hướng này, nhưng theo lộ trình thích hợp”, ông Sơn chốt lại.

Ông Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội đề nghị chọn phương án nào cũng phải chuẩn bị kỹ, có lộ trình, gắn với đổi mới về phương pháp dạy-học ở trường phổ thông. “Thi theo môn hay bài thi đều có thể làm được ngay, nếu chuẩn bị tốt. Phải hướng đến nhu cầu đào tạo của các trường nữa”, ông Trào nói.

ĐH Thăng Long đề xuất để làm kỳ thi tốt hơn thì phải chú trọng về cách tổ chức và chấm thi. Vì chắc chắn trong vài năm tới, các trường chưa thực sự tin tưởng vào kết quả nếu tổ chức kỳ thi ở địa phương, dù Bộ huy động cán bộ các trường ĐH-CĐ về cùng làm. Nếu tổ chức kỳ thi này ở địa phương mà các trường ĐH-CĐ không tin, không sử dụng kết quả sẽ chỉ làm tốn kém thêm. Vì vậy, ĐH Thăng Long đề xuất nên giao tổ chức cho các trường ĐH-CĐ trông thi, chấm thi.

Kỳ thi chung này vẫn chung đề thi, đợt thi. Bộ có thể tổ chức các cụm thi để giảm bớt khó khăn cho thí sinh các vùng khó khăn. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng thí sinh phải thi nhiều môn, nhiều đợt thi như hiện nay. Những thí sinh nào chỉ muốn tốt nghiệp thì chỉ cần thi ở địa phương, còn nếu muốn học ĐH-CĐ thì sẽ đến các trường để thi.

Như vậy, khác với phương án của bộ, ĐH Thăng Long đề xuất thí sinh đăng ký trường thi trước khi thi, đăng ký trường nào thì đến trường đó thi.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết trường mong muốn bỏ thi tốt nghiệp THPT, giữ lại kỳ thi ĐH-CĐ. Tuy nhiên, với 3 phương án của Bộ đưa ra thì trường ủng hộ phương án 2 vì phương án 3 tốt nhất nhưng nếu thực hiện ngay trong năm 2015 thì đột ngột. “Chúng tôi đề nghị chọn phương án 2 , có thể làm ngay trong năm 2015. Để thí sinh có kết quả thi mới chọn để đăng ký trường ĐH-CĐ. Về công tác coi thi, chấm thi thì cứ 1 người của sở, 1 người của trường ĐH-CĐ”, ông Nam đề nghị.

Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên đồng tình cao chỉ còn 1 kỳ thi và cũng lựa chọn phương án 2; đồng ý đưa cán bộ, giảng viên các trường ĐH-CĐ về địa phương để cùng coi thi, chấm thi. ĐH Luật Hà Nội cũng lựa chọn phương án 2, tức là thi theo bài, thí sinh có thể lựa chọn bài thi theo khối tự nhiên hoặc xã hội. Tương tự, ĐH Phương Đông cũng chọn phương án 2 vì phương án 1 thi theo môn là quá nặng nề.

Như vậy, khác với các ý kiến của nhiều địa phương tại hội nghị tổng kết năm học trước đó nghiêng về lựa chọn phương án 1 (thi theo môn) để tránh gây sốc cho học sinh, các trường ĐH lại đang nghiêng về phương án 2./.

SGGP

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.