Cải cách chính sách di cư, nâng khả năng chống biến đổi khí hậu

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức hội thảo “Di cư, tái định cư và biến đổi khí hậu tại Việt Nam” với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học trong nước và quốc tế.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hội thảo nhằm khảo sát tình trạng dễ bị tổn thương của các hộ gia đình sau khi tái định cư, phân tích các chính sách, chiến lược và chương trình bảo trợ xã hội hiện có trong việc hỗ trợ người dân sau khi di cư và tái định cư, đặc biệt là di cư, tái định cư liên quan đến biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bakhodir Burkhanov – Phó Giám đốc quốc gia đại diện UNDP tại Việt Nam và ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro trước các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như những áp lực môi trường liên quan, đặc biệt là các chiến lược tái định cư cho những hộ gia đình chịu ảnh hưởng của sóng thần, lũ lụt, lở đất hay lũ quét.

Rất nhiều người đã lựa chọn thay đổi cách thức kiếm sống và di cư đến những vùng đất khác do áp lực kinh tế và môi trường tại địa phương quá cao và một số áp lực đang tiếp tục gia tăng do biến đổi khí hậu. Di cư là một chiến lược sinh kế đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương cũng như tăng cường các cơ hội kinh tế của địa phương.

Theo ông Bakhodir Burkhanov, di cư là xu hướng đang gia tăng trên toàn cầu. Con người di cư vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân là do tác động của các áp lực về thời tiết, áp lực môi trường khác có liên quan đến cuộc sống và sinh kế của họ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, di cư và tái định cư được coi là những chiến lược đối phó và thích ứng mang tính sống còn.

Trình bày báo cáo thảo luận chính sách về di cư, tái định cư và biến đổi khí hậu tại Việt Nam do UNDP, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đồng thực hiện, đại diện UNDP cho rằng Việt Nam cần tăng cường hơn nữa các chương trình tái định cư và xóa bỏ những hạn chế cũng như rào cản đối với sự di chuyển của dân cư để nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và tạo ra cơ hội tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo cũng như duy trì các tiến bộ về phát triển con người.

Khuyến nghị về đường lối chính sách và những công việc then chốt nhằm tăng cường khả năng chống chịu của người dân và các cộng đồng ở Việt Nam, báo cáo của Liên hợp quốc đưa ra việc cần thiết phải củng cố và cải cách chính sách có liên quan để nâng cao hiệu quả của hoạt động di cư và tái định cư.

Chương trình cấp quốc gia, cấp tỉnh nên tăng cường hoạt động nhằm cải thiện điều kiện sống, mở rộng phương thức kiếm sống, nâng cao khả năng thích ứng của những người di cư, tái định cư, các cộng đồng có người di cư và các cộng đồng tiếp nhận người nhập cư.

Các cơ quan chức năng cần củng cố năng lực thể chế và quy trình hoạt động, đảm bảo những người di cư và tái định cư do biến đổi khí hậu được hưởng các chương trình bảo trợ xã hội, nâng cao kiến thức hiểu biết về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu, di cư, tái định cư và vị trí của người di cư tại Việt Nam, đồng thời xây dựng nhận thức cho người dân về vấn đề này.

Bên cạnh đó, báo cáo cho thấy cải cách, củng cố các chính sách, thực tiễn hoạt động của công tác tái định cư cũng như các quy định liên quan đến di cư đóng vai trò quan trọng trong khuôn khổ chính sách để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào một số đối tượng hộ gia đình, đàn ông, phụ nữ và trẻ dễ bị tổn thương nhất tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số nội dung về xây dựng nhà ở chống chịu với biến đổi khí hậu, các chương trình bảo trợ xã hội đối với người di cư và di cư do biến đổi khí hậu./.

TTXVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.