46 người đã tử vong, cần tới 2 tháng để trục vớt phà Sewol

Đến sáng nay (20/4), các thợ lặn đã đưa ra thêm được 13 thi thể từ bên trong chiếc phà Sewol, nâng tổng số người thiệt mạng lên 46 người, giới chức Hàn Quốc ngày 20/4 khẳng định. Trong khi đó, việc trục vớt có thể phải mất tới 2 tháng.

Thông tin trên được đưa ra sau khi các thợ lặn cuối cùng cũng tiếp cận được phía trong chiếc phà lật úp sau 3 ngày thất bại do dòng chảy mạnh và tầm nhìn thấp.

Chiếc phà đã chìm hoàn toàn khỏi mặt nước

Khuya ngày hôm qua 19/4, các thợ lặn đã phá vỡ một cửa sổ của chiếc phà và đưa ra được 3 thi thể, Kim Kwang-hyun, một quan chức của lực lượng tuần tra bờ biển khẳng định. Đây chính là những thi thể đầu tiên được đưa ra từ bên trong phà Sewol.

Sau đó, trong ngày 20/4, các thợ lặn đưa ra thêm được 10 thi thể nữa, nâng tổng số người thiệt mạng lên con số 46. Các quan chức Hàn Quốc cho biết vẫn còn 256 người mất tích, hầu hết là học sinh đang trên đường đi nghỉ.

Người thân các nạn nhân đã cung cấp mẫu ADN để xác định danh tính những người thiệt mạng.

Trong khi đó, thuyền trưởng Lee Joon-seok, 69 tuổi, và hai thành viên thủy thủ đoàn khác đã bị bắt. Ông Lee đang đối mặt với nhiều cáo trạng, trong đó có tội lờ là trách nhiệm và vi phạm luật hàng hải.

Trong ngày 19/4, tổng cộng có 652 viên chức của hải quân và lực lượng tuần tra bờ biển được huy động, ngoài ra còn có nhiều thợ lặn dân sự tham gia tìm kiếm.

Khi được hỏi chiến dịch cứu hộ có khả năng kéo dài bao lâu, ông Shin Won-Nam, chỉ huy Trung tâm ứng phó khẩn cấp khẳng định với các phóng viên rằng, có lẽ phải mất nhiều tuần, nếu không muốn nói là nhiều tháng.

“Chúng tôi không chắc về điều đó. Nhưng theo các chuyên gia, việc cứu hộ có lẽ cần một đến hai tháng”. Ông Won-nam nói. Ông cho biết thêm rằng rất ít khả năng có ai đó bị mắc kẹt bên trong còn sống sót nếu việc cứu hộ kéo dài đến vậy.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết đang cân nhắc khả năng tuyên bố một vùng thảm họa đặc biệt tại Ansa, nơi có ngôi trường của 250 học sinh mất tích, và tại Jindo, nơi chiếc phà chìm.

“Cần phải có một sự hỗ trợ nhanh chóng ở cấp chính phủ cho những khu vực này bởi những thiệt hại về vật chất và tinh thân đối với thành phố Ansan và Jindo-gun đang tăng lên”, một quan chức của văn phòng thủ tướng Hàn Quốc cho biết.

Một khi được tuyên bố là các vùng thảm họa đặc biệt, những nơi này có quyền được nhận thêm hỗ trợ từ chính phủ, bào gồm tối đa 80% chi phí liên quan tới thảm họa. Tổng thống Hàn Quốc sẽ là người đưa ra tuyên bố này, sau khi được một ủy ban quốc gia về an toàn xã hội rà soát và phê chuẩn.

Các cuộc điều tra hiện tập trung vào một khúc cua gấp mà con tàu đã thực hiện trước khi nó bị nghiêng, và liệu mệnh lệnh di tản có giúp cứu sống thêm nhiều nạn nhân hay không. Các đoạn băng ghi hình trên tàu có vẻ cho thấy, chỉ dẫn từ các thành viên thủy thủ đoàn yêu cầu hành khách ngồi im trên khoang vẫn được đưa ra ngay cả khi tàu đã nghiêng mạnh về một bên./.

Dân trí

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.