Về miền Tây ăn đặc sản ong vò vẽ

Ong vò vẽ, một loại ong có nọc độc nguy hiểm và nổi tiếng là hung dữ, một thời là vũ khí của nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng, ở miệt vườn sông nước Cửu Long, loại ong này đang được chế biến thành nhiều món ăn đặc sắc mang đậm dấu ấn và phong cách dân dã…

Từ chuyện huấn luyện ong vò vẽ đánh giặc

Ong vò vẽ là loại ong sống được ở nhiều loại môi trường từ nóng ẩm cho đến khí hậu khô, nóng. Hình dáng ong vò vẽ nhìn từ phía ngoài rất đáng sợ, thân dài màu đen bóng có vài sọc màu vàng. Chúng sống thành đàn và làm tổ ở bất kì nơi nào từ trên cây, mái đình, mái chùa và đôi khi chúng làm tổ trên nóc nhà của người dân.

Tổ ong vò vẽ

Thông thường chúng rất hiền lành, nhưng khi có ai phá tổ hoặc tổ bị đe doạ thì chúng rất hung hãn, chúng đốt tất cả những gì chúng bắt gặp từ trâu, bò, chó, mèo và tất nhiên là con người chúng cũng không từ. Người mạnh khoẻ nếu bị ong vò vẽ đốt 4- 5 vết là thân thể sưng to, đau nhức và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Có cả trường hợp trâu, bò đi ăn cỏ giẫm trúng phải vào tổ ong vò vẽ thì bị chúng đốt cho đến chết.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân đồng bằng sông Cửu Long đã biết huấn luyện ong vò vẽ để đánh giặc.

Ông Nguyễn Văn Bảy – Cán bộ quân đội ở tỉnh Vĩnh Long kể lại: “Người ta dùng một loại nấm dai xông tổ ong cho chúng mê ngủ. Sau đó lấy băng keo dán bít các cửa tổ, rồi di chuyển chúng đến nơi cần bố trí. Hàng ngày cho người mặc đồ lính Mỹ, lính ngụy (dĩ nhiên bên trong có mặc đồ bảo hiểm, mặc nạ, ủng, găng tay…) dùng cây chọc phá tổ ong. Cứ tập như thế chừng một tháng, người dân thường, bộ đội ta đi ngang không hề gì, nhưng lính Mỹ – ngụy vào thì hết bầy ong này đến bầy ong khác đồng loạt tấn công”.

Đến những món ăn độc đáo…

Tuy ong vò vẽ độc và hung dữ nhưng người dân đã không những tìm ra cách chế ngự được chúng mà còn sử dụng nhộng ong và ong non làm thành những món ăn độc đáo, bổ dưỡng.

Tình cờ, trong lần chúng tôi về xã Bình Phú, huyện Càng Long (Trà Vinh) được chứng kiến cảnh người dân đi bắt ong vò vẽ thật thú vị. Cả nhóm thanh niên trai tráng vây quanh nơi có ổ ong xem xét địa hình, địa vật để chuẩn bị khi trời tối thì hành động.

Một thanh niên cho biết: “Thứ ong này dữ lắm, nhưng có nhược điểm là tổ của chúng có to mấy thì chỉ duy nhất có một cửa chính phía đáy tổ, nếu tổ lớn thì có thêm một cửa nhỏ phía trên gần cuống tổ. Để chinh phục loại ong này, chỉ có một cách duy nhất là dùng lửa để đốt tổ của chúng. Tuỳ theo tổ lớn nhỏ mà số lượng đuốc nhiều hay ít, thường đuốc làm bằng loại vải mềm, nhúng dầu hỏa buộc vào đầu cây tre, trúc dài khoảng 5-7 mét”.

Khi trời tối, cả nhóm cùng châm đuốc đưa thẳng vào tổ ong, một số ong bay ra bị chết cháy, một số chết ngộp trong tổ, ong bị tiêu diệt hết, chỉ cần cho người leo lên kéo cả tổ ong xuống, đem về nhà.

“Loài ong này chúng thông minh lắm, nhiều tổ ong to mà dùng đuốc nhỏ để đốt thì bị chúng xịt nước tiểu làm tắt đuốc thế là cả đám bị ong đánh sưng mặt. Còn có trường hợp bị đốt tổ, một vài con ong sống sót bay ra bám vào lá cây gần khu vực tổ đợi sẵn, khi tàn cuộc đợi người ta leo lên lấy tổ thì chúng bay ra đánh. Có người đau quá, buông tay, té luôn xuống ao”. Ông Út Ruộng – một người dân địa phương cho biết thêm.

Tổ ong vò vẽ đem về, cả xóm vây lại cùng bóc tổ ra để lấy nhộng và ong non. Tổ ong vò vẽ to nhỏ tuỳ theo thời gian ong làm tổ. Có tổ to gần bằng cái lu đựng nước, có đến 12- 15 tầng, nhộng rất nhiều. Nhộng ong sau khi được tách ra khỏi tổ no tròn, mập ú rất mềm và trắng béo. Món ngon nhất được nhắc đến là cháo nhộng ong vò vẽ ăn cùng rau cải trời, rau má, chấm với nước mắm dầm với ớt hiểm.

Những người đi đốt tổ ong về, vừa mệt, vừa hồi hộp thì càng thích món cháo. Húp những chén cháo nóng hổi có nhộng ong lụp bụp, beo béo thật sảng khoái. Đây cũng là dịp làng xóm, nhất là các ông, các chú, thanh niên trong xóm cùng nhau “chén chú chén anh” hả hê sau ngày lao động đồng áng vất vả. Cháo ong vò vẽ ngon và bổ, hương vị rất riêng và pha chút cảm giác mạnh, chỉ có ở miệt vườn Nam Bộ.

Ngoài ra nhộng ong vò vẽ còn chế biến thành nhiều món ngon khác như nướng lá nhàu (loại cây có lá to bằng bàn tay, mọc ở vườn hoặc bờ đê thường dùng để làm thuốc).

Lấy nhộng ong gói vào lá nhàu, mỗi gói chừng 10 con, ướp vào nước mắm loại ngon rồi đem đi nướng cùng lửa than hồng khoảng 5 phút.

Nước chấm chế biến rất dân dã, thường là muối tiêu chanh hay nước mắm ớt. Khi nhộng chín bốc khói thơm lừng, cho một miếng vào nhai, sau tiếng “bụp” trong miệng, sữa nhộng ong bể ra, chất béo, ngọt, bùi hòa quyện cùng hương thơm, vị đắng của lá nhàu, vị chua cay mặn của muối tiêu chanh tạo nên một hương vị khó quên. Nhất là khi hoà cùng vị nồng của vài ly rượu đế.

Còn có một món khác độc đáo hơn là rượu ngâm ong vò vẽ. Sau khi đốt tổ xong, người dân còn nhặt những con ong bị cháy cánh té xuống đất, đem về rửa sạch cho vào rượu đế loại thượng hạng, ngâm khoảng 6 tháng có thể đem ra uống. Ong vò vẽ ngày nay còn rất ít do bị con người tiêu diệt nhiều, mỗi khi phát hiện ra tổ ong là người dân tìm cách phá ngay, nhất là ở vùng nông thôn vì sợ trẻ em nghịch phá gây nguy hiểm. Chính vì điều đó, ong vò vẽ trở thành đặc sản quý hiếm./.

Lao động

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.