Lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân từ năm 2020
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã xây dựng đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải ở các thành phố lớn theo hướng đẩy mạnh giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, từng khu vực, từng giờ cao điểm, thấp điểm.
Đã xây dựng đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải
Trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phản hồi một số kiến nghị của các địa phương liên quan đến lĩnh vực GTVT.
Trước đó vào sáng 28/12, trong phiên họp của Chính phủ với các địa phương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.
Theo ông Chung, với tốc độ đăng mới ký bình quân mỗi tháng 18.000-22.000 xe máy và 6.000-8.000 ô tô, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 7 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô, chưa kể xe của khối lực lượng vũ trang cũng như xe các tỉnh khác vào Thủ đô.
Vì thế, nếu không có giải pháp từ bây giờ, trong vòng 4-5 năm nữa, tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội sẽ ngày càng phức tạp.
Về đề xuất này của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trước đó, Bộ GTVT đã xây dựng đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải ở các thành phố lớn.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận và giao các thành phố lập đề án trình HĐND quyết định. Vì mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, nên đề án sẽ do HĐND địa phương đó xây dựng và Bộ GTVT sẽ phối hợp thực hiện.
“Đề án xây dựng theo hướng đẩy mạnh giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, từng khu vực, từng giờ cao điểm, thấp điểm. Hà Nội và TPHCM cần xây dựng đề án để trình HĐND. Thời điểm hạn chế phương tiện cá nhân sẽ từ năm 2020”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Trước đó, kỳ họp HĐND TP. Hà Nội khóa 14 cũng đã thông qua chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỉ đồng, trong đó có dành 700 triệu đồng để xây dựng đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Việc xây dựng đề án này dự kiến sẽ được thực hiện ngay trong năm 2016.
Quan trọng nhất là công tác thẩm định dự án
Về kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong năm 2015, Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về việc phối hợp với địa phương khởi công và khánh thành 167 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 132 dự án và khởi công mới 35 dự án. Trong đó, 2 dự án quan trọng nhất là dự án hoàn thành cải tạo nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
“Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cùng các Phó Thủ tướng, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành và đặc biệt là của các địa phương trong khâu giải phóng mặt bằng, nên QL1 hoàn thành sớm được 12 tháng và đường Hồ Chí Minh sớm được 18 tháng so với kế hoạch”, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT sẽ hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc 2.500 km, vượt kế hoạch đề ra 500 km.
Với đường sắt, Bộ tập trung nâng cấp đường sắt, nâng tốc độ vận tải tàu khách lên 80-90 km/h và tàu hàng lên 50-60 km/h, nâng cấp các tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lạng Sơn. Đồng thời, chuẩn bị dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam với tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/h để sớm trình Chính phủ trong năm 2016.
Đối với hàng không, hiện nay Bộ GTVT đang tập trung triển khai nâng cấp một loạt sân bay, đặc biệt sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang rất khó khăn, tắc nghẽn cả trên trời và dưới đất.
“Bộ GTVT quyết tâm đẩy nhanh việc triển khai sân bay Long Thành, vì các giải pháp hiện nay cho sân bay Tân Sơn Nhất chỉ là tình thế”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Về việc huy động nguồn vốn cho các dự án, lãnh đạo Bộ GTVT mong nhận được sự phối hợp của các địa phương, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước. Vì khi làm các dự án BOT thì nguồn lực của các nhà đầu tư theo quy định cũng chỉ có 15%, còn lại là dựa vào vốn ngân hàng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc sử dụng vốn dư của dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh. Mặc dù danh sách các dự án được sử dụng nguồn vốn này đã được Quốc hội thông qua, nhưng làm lại thủ tục xin chủ trương đầu tư, rồi lập dự án xong mới triển khai thì phải mất 2 năm nữa, như vậy là rất mất thời gian.
Giải đáp vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, danh mục dự án đã thảo luận thống nhất, Quốc hội cũng đã thông qua, nên cứ xử lý theo hướng đã bàn.
“Cơ chế cần làm nhanh thì chỉ định giống như QL1 và đường Hồ Chí Minh thì mới nhanh được. Quan trọng nhất là công tác thẩm định dự toán, cần làm cho kỹ, từ đó chỉ định sẽ tiết kiệm hơn. Tổng mức đầu tư phải thẩm định cho chính xác rồi giảm xuống. Giá giảm, nhưng không được giảm chất lượng”, Thủ tướng yêu cầu.
Phan Trang/VGP News