Lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước
Chiều 25/7, ngay sau khi kết quả bầu Chủ tịch nước được công bố, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định của Hiến pháp 2013.
Sáng 25/7, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ mới.
Lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo đó, ông Trần Đại Quang – người được bầu giữ chức Chủ tịch nước vào ngày 02/4/2016 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, thay cho người tiền nhiệm là ông Trương Tấn Sang – tiếp tục là nhân sự được giới thiệu để bầu chức danh Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021.
Kết quả kiểm phiếu do ông Bùi Văn Cường – Trưởng Ban kiểm phiếu công bố cho thấy, có 485/487 đại biểu bỏ phiếu đồng ý (chiếm 98,18% tổng số đại biểu Quốc hội) bầu ông Trần Đại Quang tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam với tỉ lệ 484/486 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã diễn ra trang trọng tại Hội trường. Trước quốc kỳ, Quốc hội và cử tri cả nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ:
“Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Phát biểu sau lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu vào chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.
“Với vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, tôi sẽ kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc, và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, nỗ lực làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân,” Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.
Chủ tịch nước cũng cho biết, ông sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp; chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Tích cực phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam; đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội ở khu vực và trên thế giới.
Tiểu sử tóm tắt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Đồng chí Trần Đại Quang (sinh năm 1956), quê quán: xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tiến sĩ Luật học, Đại học An ninh; Học vị: Tiến sĩ; Học hàm: Giáo sư.
Trong quá trình công tác, đồng chí Trần Đại Quang từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục An ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thiếu tướng (2003); được phong học hàm Phó giáo sư (2003); Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Trung tướng (2007); được phong học hàm Giáo sư (2009; Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI, XII), Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thượng tướng (2011), Đại tướng (2012); Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; đại biểu Quốc hội khóa XIII; Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.
Ngày 02/4/2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 25/7/2016, tại Kỳ hợp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV tiếp tục bầu đồng chí Trần Đại Quang giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021.
VGP News
Link bài viết: http://baochinhphu.vn/Nhan-su/Le-tuyen-the-nham-chuc-cua-Chu-tich-nuoc/282361.vgp