Khắc phục ô nhiễm sông rạch tại TP. Hồ Chí Minh

Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại TP Hồ Chí Minh được xác định là một trong 6 khâu đột phá của thành phố. Trong đó, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm mặt nước, nguồn nước đối với hệ thống sông rạch là một trong những vấn đề hết sức bức thiết, mang tính sống còn với hơn chục triệu người dân thành phố.

Ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng

Thống kê của Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện thành phố có khoảng 3.300 nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ. Trong đó, chỉ có 35% số cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại có hệ thống xử lý môi trường đạt quy chuẩn môi trường.

Nước thải sinh hoạt chiếm hơn 60% tổng lưu lượng nước thải ra hệ thống sông rạch TP Hồ Chí Minh, nhưng mới chỉ khoảng 20% tổng lượng nước thải được xử lý…

Kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước vừa được Sở TN&MT công bố cho thấy, nguồn nước tại hệ thống kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Các thành phần như BOD5 (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh (coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng… đều vượt tiêu chuẩn từ vài chục đến cả ngàn lần cho phép. Tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng hơn khi thủy triều xuống thấp.

Tình trạng này làm suy giảm chất lượng nguồn nước kênh rạch nội thành và nguồn nước sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt của người dân thành phố.

Chỉ tính riêng phần nước thải từ các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đã cho thấy tình trạng ô nhiễm ở mức đáng báo động. Tại TP Hồ Chí Minh, 15 khu chế xuất, khu công nghiệp dù đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng vẫn còn hơn 700 nguồn thải khác chưa được kiểm soát hết vẫn đang thải ra môi trường. Đó là chưa kể các cơ sở công nghiệp phân tán nhỏ nằm trong khu dân cư cũng thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch.

Sông Sài Gòn nhận nhiều nguồn nước thải nguy hại mỗi ngày.

Trong khi đó, một nghiên cứu khoa học của Dự án kiểm soát nguồn thải phân tán dọc sông Sài Gòn do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ tại TP Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, nước thải sinh hoạt của người dân thành phố cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay.

Kết quả nghiên cứu của dự án này chỉ ra rằng, chất lượng nước sông Sài Gòn bị suy giảm bởi rất nhiều nguồn thải như nước chảy tràn đô thị, nước thải từ các khu dân cư, rò rỉ dầu từ hoạt động giao thông thủy, bãi chôn lấp rác, khai khoáng và hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, đáng ngại nhất là nước thải khu vực dân cư, mà cụ thể là nước thải sinh hoạt nhiễm phân và nước chảy tràn đô thị. Do diện tích bê tông hóa của thành phố ngày càng lớn nên lượng nước mưa không thể thẩm thấu xuống đất mà chảy tràn mang theo tất cả chất thải trên bề mặt đất xuống kênh rạch dẫn ra sông. Còn chất thải từ các bể phốt hoạt động không hiệu quả hoặc không qua bể phốt thải hết ra sông đang khiến cho nguồn nước sông ô nhiễm khá nặng.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Nhằm giải quyết tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy định mới về phân vùng xả thải và tiêu chuẩn nước thải, bắt buộc các doanh nghiệp phải xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường.

Theo đó, nước thải tại các khu vực hồ Kỳ Hòa, Đầm Sen, hồ trong công viên Hoàng Văn Thụ, các ao hồ khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và nhiều đoạn trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai phải đạt quy chuẩn loại A. Chất lượng nước thải của các nguồn xả thải ra 97 tuyến sông, suối, kênh rạch dẫn ra sông Đồng Nai, sông Sài Gòn bắt buộc phải đạt loại A. Đối với 14 tuyến kênh rạch khu vực trung tâm thành phố như Kênh 19/5, Tham Lương, Nước Đen, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Văn Thánh, Tàu Hủ, Bến Nghé, Đôi – Tẻ, Tân Hóa – Lò Gốm, Hàng Bàng, Rạch Nước Lên, sông Chợ Đệm…, nguồn nước thải phải đạt quy chuẩn loại B.

Với quan điểm nhất quán “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế”, thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về vấn đề môi trường. Trong đó, việc HĐND thành phố đồng chi hàng tỉ USD trong cơ cấu chi ngân sách là một minh chứng. Song song đó, hàng loạt biện pháp chế tài được thành phố đề ra như: cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành hoặc xử lý không đạt các Quy chuẩn môi trường, có biện pháp xử lý mạnh như niêm phong công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ sản xuất, buộc di dời đối với cơ sở tái phạm nhiều lần… đang được người dân kỳ vọng sẽ tạo ra những biến chuyển mang tính cơ bản về vấn đề môi trường của thành phố.

Thạc sỹ Huỳnh Văn Sinh – Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh (người vừa có công trình nghiên cứu về Nếp sống thị dân ở TP Hồ Chí Minh):

Gắn trách nhiệm cho người dân

Lâu nay, thành phố triển khai chưa đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường nước; kinh phí cho hoạt động giám sát, kiểm tra việc xả thải của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… còn thiếu. Lực lượng mỏng, nên các doanh nghiệp thừa cơ sử dụng “ống chìm ống nổi” để xả nước thải trực tiếp ra hệ thống sông rạch, gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo tôi, việc thành phố xác định đây là một trong 6 khâu đột phá trong thời gian tới là một việc làm cần thiết.
Ở góc độ một người nghiên cứu về nếp sống thị dân, tôi nghĩ thành phố nên có những chính sách tuyên truyền để người dân thành phố nói riêng, cũng như người dân từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống tại thành phố thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao “ý thức sở thuộc” coi thành phố là của mình, gắn liền với sự sống còn của bản thân mình. Song song đó, thành phố nên tăng cường các biện pháp chế tài, phạt thật nặng với những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

TS Trần Viết Mỹ – Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Khuyến nông TP Hồ Chí Minh:

Thành lập nhóm giám sát tự nguyện

Theo tôi, cần phải xã hội hóa việc giám sát và bảo vệ các con sông bằng việc vận động thành lập các nhóm giám sát tự nguyện. Đối tượng tham gia trước mắt là thanh, thiếu niên sống trong lưu vực sông Sài Gòn, tuổi từ 11-20. Sau đó, có thể vận động sự tham gia của các lứa tuổi khác. Để hình thành được các nhóm này cần có sự tham gia tích cực ngay từ đầu của các tổ chức xã hội- nghề nghiệp như Hội KHKT Lâm nghiệp, Hội Sinh vật cảnh, Hội Làm vườn & Trang trại, các hội có liên quan về sinh thái, môi trường giúp định hướng, cung cấp thông tin như trang bị kiến thức về môi trường, về tình hình hiện hữu của sông Sài Gòn cũng như hệ thống sông, rạch của thành phố. Điều này giúp họ có tư duy chiến lược, giải pháp tham gia bảo vệ dòng sông; có cơ hội trao đổi về phương thức tiến hành hoạt động nhóm, tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm triển khai. Bên cạnh đó, cũng cần có sự tham gia hỗ trợ của các đoàn thể (Đoàn TNCS, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ), chính quyền địa phương để các nhóm có phương tiện hoạt động, giúp liên kết với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương…

L. Hiền

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.