Dừa Nước Hồn Quê

Mắm trước, đước sau, tràm theo sát
Sau hàng dừa nước, mái nhà ai?…

Câu thơ quen thuộc ấy gợi lại nét đặc trưng của miền đất trẻ. Cây mắm làm đội quân tiên phong trên đất bãi bồi phù sa, rồi đến luợt cây đước, cây tràm bắt rễ… để sau đó lùi sâu vào kênh rạch cho những hàng dừa nước che rợp xóm làng ngay từ buổi cha ông mở cõi, khẩn hoang…

Người ta nói biểu tượng của làng quê Việt Nam là lũy tre làng, nhưng với cư dân miệt châu thổ Cửu Long lại chính là một rặng dừa nước ven sông, một dáng thôn nữ chèo xuồng, vài mái lá đìu hiu có khói lam chiều lãng đãng…

Có lẽ cái hồn quê sâu lắng, nên thơ ấy đã tạo nguồn cảm hứng cho tác phẩm của Nhà thơ Hoài Vũ và Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mang đậm chất trữ tình để ngợi ca vẽ đẹp thiên nhiên và con người trên dải đất vùng châu thổ này…

…Gió, gió nhớ thương ai mà lay bờ lá
Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng….

Lá dừa nước không chỉ để che nắng, che mưa cho những gia đình nông thôn mà từ thời còn cơ cực người ta đã làm ra rất nhiều vật dụng phục vụ trong sinh hoạt như máng xối, gàu múc nước…

Biết bao đôi trai gái của miền quê này bện chặt yêu thương cũng từ những chiếc lá bình dị, thân quen… Dừa nước đã tuôn vào hồn quê thấm đẫm nghĩa tình, thủy chung son sắc là vậy!

Có lẽ ở thôn quê nhiều người chắc mãi còn nhớ cái hương vị của chiếc bánh lá quê nghèo. Đó là một loại bánh được làm bằng bột gạo nắn mỏng dính trên chiếc lá dừa nước, đem hấp chín rồi ăn với nước cốt dừa. Còn trẻ con mỗi đứa lấy một lá bánh chạy khắp sân nhà vừa gỡ vừa ăn. Đơn giản thế thôi mà sao vẫn nồng nàn quá, thơm ngọt quá của tuổi thơ trong buổi trưa hè!… Trái dừa nước cũng là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của biết bao người nơi miền thôn dã này.

Hoa dừa rất thơm, trổ quanh năm và đậu quả sai. Một buồng dừa nước có thể chi chít đến cả trăm trái. Khi trái vừa già tới, bổ đôi ra sẽ thấy phần cơm bên trong nõn nà. Cơm dừa có mùi thơm rất lạ, người ta dùng để nấu chè hay để nguyên như vậy, bỏ đường, đá vào ăn cũng ngon không kém cơm trái thốt nốt vùng Bảy Núi (An Giang)…

Nhớ sao những chiếc bập dừa mà tuổi thơ tụm năm tụm bảy để tập bơi, tập lội… Chiều chiều, khi bìm bịp kêu nước lớn đầy sông, mỗi đứa ôm một cái bập dừa để cả đám trẻ cùng vùng vẫy, khuấy động một khúc sông quê… Sông quê còn đó những cánh buồm của thuở ban đầu cha ông ta đến đây để dựng làng, lập ấp… Vẫn còn đây khói lam chiều vấn vương trên mái lá quê nghèo…

Khúc sông quê với chiếc bập dừa để tuổi thơ tắm mát khi con nước đong đầy… Miếng cơm dừa nước, miếng bánh lá quê nghèo còn ngọt lịm nơi đầu lưỡi trong những buổi trưa hè…Tất cả, tất cả những điều ấy đã trôi vào tâm hồn ta, thấm vào miền ký ức ngọt ngào, để khi xa quê bất cứ ai cũng đau đáu ngóng về:

Chiều hôm khói bếp nhà ai
Chợt thương, chợt nhớ, chợt cay mắt mình
Hàng dừa nước mọc ven kênh
Lao xao trong gió đượm tình hồn quê!…

Theo Ký ức miền Tây

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.