Đến năm 2050 Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ sẽ là những nền kinh tế lớn nhất
Theo báo cáo hàng năm “Thế giới trong năm 2050” của nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô PricewaterhouseCoopers LLP (PwC), cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã đẩy nhanh sự thay đổi “trọng tâm lực hút” của nền kinh tế thế giới, vì điều này, đến năm 2050, Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ sẽ trở thành những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên cả những nước kinh tế đang phát triển cũng sẽ vấp phải những khó khăn trong nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao mấy năm qua.
Nghiên cứu đầu tiên của PwC “Thế giới trong năm 2050”, tiến hành vào năm 2006, bao trùm 17 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đó có các nước phát triển thuộc “G-7” (Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Canada), Tây Ban Nha, Australia và Hàn Quốc, cũng như 7 nước có nền kinh tế thị trường đang phát triển (E7: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ). Nghiên cứu mở rộng 2013 có tên gọi “Thế giới trong năm 2050. BRIC và các nước khác: triển vọng, các vấn đề và cơ hội”, cũng gồm có Việt Nam, Nigieria, Nam Phi, Malaysia, Ba Lan, Saudi Arabia và Argentina.
Trong báo cáo mới nhất kết luận rằng, các nước đang phát triển, trong 4 thập kỷ tới, chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn nhiều so với các nước G-7.
Các chỉ số tăng trưởng bình quân GDP theo ngang giá sức mua (PPC) cho thấy, thời kỳ từ 2012-2050, đứng đầu danh sách các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất sẽ là Nigieria, sau đó là Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Saudi Arabia và Nam Phi.
John Hoksuort, chuyên viên kinh tế chính của PwC cho rằng, trong ngắn hạn, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã giáng vào các nước G-7 một đòn mạnh hơn nhiều so với các nước E-7. Cuộc khủng hoảng này cũng buộc phải xem xét lại những dự đoán tăng trưởng dài hạn của các nước G-7, đặc biệt là Mỹ và những nước châu Âu nào trước đây sử dụng phần lớn các khoản nợ công và nợ tư để thúc đẩy tăng trưởng.
Về tăng trưởng GDP theo ngang giá sức mua, thì các nước E-7 có thể vượt các nước G-7 trước năm 2020 và đến năm 2050 thì Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, không nghi ngờ gì nữa, có thể trở thành những nền kinh tế lớn nhất thế giới, vị trí thứ 4, khá cách xa các nước dẫn đầu, là Brazil – là nước sẽ vượt Nhật Bản.
Đến lúc đó, kinh tế nước Nga, Mexico, Indonesia có thể vượt quy mô của Đức hoặc Anh. Thổ Nhĩ Kỳ có thể bỏ rơi Italia, còn Nigieria, về lâu dài, có thể giành vị trí cao hơn trong danh sách dẫn đầu, giống như Việt Nam và Nam Phi.
Ngoài những nền kinh tế lớn nhất thế giới, Malaysia là nước có tiềm năng tăng trưởng lâu dài, còn Ba Lan có thể tiếp tục vượt qua các nước Tây Âu láng giềng của mình trong các thập niên tới./.
VEN