ĐBSCL chủ động, khẩn trương triển khai phòng chống bão Tembin

Sáng 24/12/2017, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai- Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) Thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp triển khai khẩn cấp các giải pháp ứng phó với cơn bão số 16 – Tembin. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Thành phố Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản, thông báo khẩn gửi đến Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các cấp; các sở ban ngành; các quận, huyện về diễn biến bão Tembin.

Ngành chức năng cũng đã huy động mọi lực lượng, chuẩn bị các phương tiện sẵn sàng ứng phó trong tình huống xấu nhất. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ thành phố cũng triển khai kế hoạch vận động, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di dời dân, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng chỉ đạo thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Thành phố Cần Thơ, các sở, ngành chức năng triển khai biện pháp ứng phó bão Tembin. (Ảnh: H.VĂN/Báo Cần Thơ)

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp tập trung thực hiện các phương án ứng phó bão Tembin; tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về việc chủ động, tăng cường công tác ứng phó cơn bão Tembin, nhất là tập trung thực hiện các hoạt động chằng chống nhà cửa, kho tàng, bè nuôi cá trên sông, nhằm hạn chế tốc mái, xiêu vẹo, sập, hư hỏng khi có gió lớn; cắt tỉa cây xanh trên vỉa hè, khu vực gần nhà cửa, trường học… hạn chế đổ gãy gây thương vong cho người; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện đê bao xung yếu để có biện pháp khắc phục, gia cố; tổ chức trực ban 24/ 24 giờ trong những ngày xảy ra bão; theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan để kịp thời ứng phó sự cố có thể xảy ra; thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố giám sát, chỉ đạo công tác ứng phó bão Tembin tại các địa phương phụ trách, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra…

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến của bão Tembin để kịp thời thông báo và cho học sinh các cấp nghỉ học trong những ngày bão xuất hiện; Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện triệu tập cuộc họp khẩn trong ngày 25- 12 để quán triệt, triển khai các biện pháp nêu trên, bám sát địa bàn, khẩn trương thực hiện các phần việc hỗ trợ nhân dân đề phòng thiệt hại do bão Tembin…

Cùng ngày, UBND các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang tiến hành họp khẩn, triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 16.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã kêu gọi tất cả các tàu đang đánh cá ngoài khơi nhanh chóng về nơi tránh trú an toàn. (Ảnh: LÊ SEN/TTXVN)

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương thực hiện túc trực 24/24 giờ, tăng cường các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, kiểm soát chặt chẽ biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo an toàn điện, hệ thống thông tin liên lạc thông suốt…; đặc biệt là phải có phương án chuẩn bị huy động lực lượng, phương tiện cần thiết, kịp thời phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả bão Tembin.

Đến sáng 24/12, Cà Mau đã liên hệ được 862 tàu cá, 7.183 thuyền viên đang hoạt động trên biển; trong đó có 372 tàu, 4.193 thuyền viên hoạt động đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Hòn Khoai đến bãi cạn Cà Mau và khu vực đảo Thổ Chu thuộc tỉnh Kiên Giang.

Toàn tỉnh có 8.114/17.401 căn nhà dân được gia cố an toàn; 87.964 dân ven biển sẽ được sơ tán, di dời ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án đã dự kiến trước khi bão Tembin đổ bộ vào tỉnh Cà Mau.

* Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đề nghị: Trước mắt, các huyện ven biển gồm: Đông Hải, Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu cần di dời, sơ tán dân từ 24/12. Công tác di dời dân đến nơi an toàn cần tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất.

Theo tính toán của Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bạc Liêu sẽ sơ tán hơn 85.000 hộ dân, tương đương hơn 365.700 người, với tổng số 31.000 điểm sơ tán. Để làm tốt công tác này, tỉnh huy động lực lượng gồm hơn 12.000 người, 24.000 phương tiện…; đồng thời triển khai các giải pháp bảo vệ hơn 33.000 ha lúa- tôm, 35.000 ha lúa thu đông, hơn 11.000 ha lúa đông xuân và hơn 76.000 ha nuôi trồng thủy sản.

Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, mặc dù biết bão số 16 sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương, nhưng một số ban ngành, địa phương, người dân vẫn rất chủ quan, nhất là một số tàu đánh bắt thủy sản trên biển không muốn vào đất liền tránh bão. Các cơ sở kinh doanh, người sản xuất chưa chủ động gia cố, chằng néo, bảo vệ nhà cửa, trụ sở, diện tích sản xuất…

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết, trực tiếp xuống địa phương, bám sát địa bàn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi triển khai kế hoạch ứng phó với bão số 16.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng yêu cầu các lực lượng chức năng phải kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở; cương quyết di dời người dân khi bão đổ bộ để đảm bảo an toàn tính mạng; các điểm để người dân di dời đến phải đảm bảo chắc chắn, không tập trung đông người dân vào một điểm…

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo đến 22 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão Tembin ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Côn Đảo và vùng ven biển các tỉnh từ Bà Rịa- Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 mét. Trên đất liền Nam Bộ, ngày 25 và 26/12, Nam Bộ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 16 nên có mưa diện rộng, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to kèm gió mạnh, lượng mưa phổ biến từ 80-150mm.

TTXVN

Link:

http://baocantho.com.vn/dbscl-chu-dong-khan-truong-trien-khai-phong-chong-bao-tembin-a93506.html

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.