Chinlone là môn thể thao đặc trưng của Myanmar, nước chủ nhà bảng B tại AFF Cup 2016.
Người dân Myanmar trước nay vẫn tự hào về một số môn thể thao dân tộc mang vẻ đẹp huyền bí và có tác dụng “gây nghiện” đối với người chơi, người xem. Một trong số đó phải kể tới Chinlone, môn thể thao từng có thời chỉ được chơi trong hoàng tộc, nhưng ngày nay trở thành môn “bóng đá đường phố” của người Myanmar.
Chinlone là môn thể thao truyền thống của Myanmar. (Ảnh: Thành Lương)
Nếu nhìn vào quả cầu và kỹ thuật chơi, một du khách có thể bị nhầm lẫn giữa Chinlone của người Myanmar với Sepak Takraw của người Thái Lan.
Chính xác mà nói, Chinlone là môn thể thao kết hợp giữa tâng bóng và nhảy múa. Ở đó, các bước di chuyển và chạm bóng phần lớn được phát triển từ những điệu múa dân gian của Myanmar.
Chính bởi vậy, Chinlone còn được gọi là “vũ điệu cùng trái cầu”, hay “bóng đá đường phố” của người Myanmar.
Nói vậy vì, về bản chất, chinlone không mang tính đối kháng. Không có đối thủ. Luật chơi đơn giản chỉ là nỗ lực không để trái cầu không rơi xuống đất, giữa 1 hoặc nhiều hơn 1 người chơi.
Du khách nước ngoài dễ dàng bị “hớp hồn” bởi Chinlone. (Ảnh: Thành Lương)
Chỉ cần một khoảnh đất trống. Không quá rộng. Một quả bóng. 1 người. Hay 3-4 người trở lên. Vậy đã đủ để các chàng trai thoải mái phô diễn những kỹ năng tâng cầu, đẹp như múa, trong sự hò reo, cổ vũ của khán giả xung quanh.
Cũng bởi vẻ đẹp của trò chơi này, người Myanmar thường tổ chức Chinlone trong những lễ hội Phật giáo, sử dụng dàn nhạc sống để truyền cảm hứng cho người chơi “khiêu vũ với trái cầu”.
Aung Min Tun, 17 tuổi, đã 12 năm chơi Chinlone và 5 năm biểu diễn Chinlone ở các lễ hội Phật giáo, chia sẻ: “Tôi nghĩ du khách sẽ cảm thấy thú vị khi xem chúng tôi chơi môn thể thao này. Thực tế là nó không hề khó, bất kỳ ai cũng có thể chơi thử. Thậm chí, họ có thể còn chơi tốt hơn chúng tôi, nếu thực sự có 1-2 năm tập luyện nghiêm túc”.
Để chơi chinlone hay và đẹp, tất cả thành viên trong đội phải giữ được sự tập trung tối đa. Và đó cũng được xem là một cách luyện tập để đạt tới trạng thái Thiền ở đất nước sùng đạo Phật này.
Ngoài hình thức chơi theo đội hình 6 người, được gọi là đá vòng tròn, chinlone cũng có thể chỉ cần thi đấu theo hình thức solo một người biểu diễn, thường chỉ dành cho nữ giới.
Chinlone từng được đưa vào thi đấu tại SEA Games năm 2013 tại Myanmar. (Ảnh: Xinhua)
Đối với người Myanmar, Chinlone có ý nghĩa hơn cả thể thao, bởi nó in đậm nét dấu ấn văn hóa mà họ muốn giới thiệu ra thế giới. Ông Soe Ayt Min, một HLV Chinlone tình nguyện cho du khách quốc tế, nói: “Người nước ngoài sẽ thích chơi Chinlone ngay, một khi họ chứng kiến chúng tôi chơi. Bởi nó có lợi cho sức khỏe và tinh thần con người”.
Cũng như Pencak Silat của Indonesia, hay Sepak Takraw của Thái Lan, hay cầu chinh của Việt Nam, Chinlone đã được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games năm 2013, khi Myanmar trở thành nước chủ nhà của Đại hội thể thao khu vực lần thứ 27.
Nhưng người Myanmar không muốn dừng lại ở đó, bởi Chinlone không đơn thuần chỉ là môn “bóng đá đường phố” mà nó còn là “vũ điệu” giúp nhanh chóng đạt tới trạng thái Thiền, giải phóng tinh thần con người khỏi những phiền muộn cuộc sống./.
Thành Lương/VOV