Bạc Liêu: Nguy cơ vỡ quỹ bồi thường bảo hiểm tôm nuôi
Đến nay, Công ty Bảo Việt Bạc Liêu đã thực hiện 1.990 hợp đồng cho 1.435 hộ nông, ngư dân tham gia chương trình bảo hiểm cho con tôm trên diện tích gần 1.400 ha với tổng giá trị bảo hiểm khoảng 640 tỷ đồng. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, tình hình nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Tính riêng trong tháng 4/2013, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hơn 10.190ha; trong đó, mức độ bị thiệt hại chiếm hơn 70%, chủ yếu là tôm nuôi công nghiệp – bán công nghiệp, còn lại là diện tích tôm nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến.
Công ty Bảo Việt Bạc Liêu đang xem xét giải quyết bồi thường cho gần 1.940 hợp đồng của 1.320 hộ trên diện tích hơn 1.300ha bị thiệt hại, với tổng số tiền bồi thường 39,84 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, việc thực hiện bảo hiểm cho con tôm hiện nay rất bất cập. Phần lớn người nuôi tôm thẻ chân trắng đều muốn “bị” thiệt hại để được bồi thường vì theo quy định, tôm thẻ chân trắng nuôi từ 55 – 60 ngày, nếu thiệt hại đều được bảo hiểm bồi thường nhưng người nuôi tôm lại được tận thu số tôm còn lại. Qua thống kê cho thấy, có đến 90% số hộ nuôi tôm bị thiệt hại đều rơi vào thời gian tôm từ 55 – 60 ngày nuôi. “Việc làm này quá bất thường và việc thí điểm bảo hiểm tôm nuôi chắc chắn sẽ “chết yểu” vì tiền đâu mà bồi thường nổi”, ông Chiến nói.
Trong quá trình thực hiện, một số bất cập từ phía người nuôi tôm cũng được phát hiện như: không bảo đảm đúng quy trình nuôi; thả giống ít khai nhiều; thả tôm vào lúc khuya (1-2 giờ sáng) mục đích là gây khó khăn trong việc kiểm đếm số lượng nhằm trục lợi; tôm chết không báo ngay cho bảo hiểm mà để kéo dài đến ngày để có tỷ lệ bồi thường cao. Trong khi đó, việc bảo hiểm cũng chưa có qui định về mật độ thả giống là bao nhiêu con/m2 và phía bảo hiểm cũng chưa có qui định chỉ nhận bảo hiểm tối đa bao nhiêu con/m2. Ngoài ra, khi thiệt hại xảy ra, theo quy trình phải dừng thả giống để cải tạo xử lý ao, vuông nuôi nhưng lại chưa qui định cụ thể là bao lâu nên người nuôi lợi dụng sơ hở này để thả giống mới nhằm trục lợi thêm…
Để khắc phục những tồn tại bất cập trên, ngoài việc tăng cường nhân lực làm công tác bảo hiểm cho cơ sở, ngành Bảo hiểm chỉ chấp nhận bảo hiểm cho các hộ nuôi tôm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do tỉnh ban hành; tăng cường giám sát từ khâu thả giống, báo cáo định kỳ hàng tháng. Ngoài ra, ngành Bảo hiểm cũng sẽ kiểm tra đột xuất và định kỳ ở các ao nuôi để đánh giá các hộ nuôi tham gia bảo hiểm có thực hiện đúng qui trình hay không; trang bị thêm máy xét nghiệm để phân tích, xét nghiệm mẫu tôm bệnh; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, hỗ trợ kinh phí đúng đối tượng, bồi thường đúng tỷ lệ quy định, hạn chế thấp nhất tình trạng gian dối, nhằm trục lợi trong bảo hiểm nuôi tôm. Đồng thời thông qua công tác kiểm tra giám sát, phát hiện những đối tượng trục lợi để xử lý răn đe, nhằm đạt mục tiêu mà chính sách đề ra./.
Cao Thăng/TTXVN