Tiền Giang: Ứng dụng KHCN nâng cao chất lượng thịt, sữa của đàn bò, dê
Nhờ ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học công nghệ mới cải thiện và nâng chất lượng thịt, sữa đã tạo thuận lợi cho tỉnh Tiền Giang phát huy thế mạnh nghề chăn nuôi bò, dê tại các vùng thuần nông, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và nguồn nông sản dồi dào, đáp ứng thị trường.
Theo bà Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, trong những năm 90 của thế kỷ trước, đàn bò trong tỉnh còn khiêm tốn về số lượng, hạn chế về chất lượng: tầm vóc bò thịt và bò sữa đều nhỏ, tỉ lệ thịt xẻ thấp, sữa ít, thời gian nuôi kéo dài, giống không tốt… Qua chương trình khuyến nông trên đàn bò, tỉnh khuyến khích áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới như: gieo tinh nhân tạo các giống bò ngoại lai với đàn bò địa phương, nâng trọng lượng và tầm vóc bò lai cho lượng thịt xẻ hoặc sữa cao từ 15 – 20% so với bò bản địa. Đối với đàn bò sữa, thông qua chương trình, dự án phát triển bò sữa, tỉnh khuyến cáo nông dân chọn giống bò sữa chất lượng tốt, cải tạo đàn bò nền lai sind bằng biện pháp gieo tinh nhân tạo, áp dụng công thức phối hợp khẩu phần ăn hợp lý theo từng giai đoạn cho sữa, góp phần tăng năng suất sữa từ mức 2.500 đến 3.000 kg/chu kỳ lên 3.500 đến 4.000 kg/chu kỳ đồng thời thời gian khai thác sữa cũng dài hơn.
Ngoài ra, nhờ công tác khuyến nông thay đổi tư duy nông dân từ chỗ chăn nuôi bò kiểu “bỏ ống” bà con chuyển đổi sang nâng nuôi bò thịt, bò sữa thành nghề chăn nuôi mang lại lợi nhuận lớn cần được đầu tư đúng mức và chăm sóc theo phương pháp khoa học. Nhiều huyện nằm trong vùng Dự án ngọt hóa Gò Công vốn trước đây rất khó khăn như: Chợ Gạo, Gò Công Tây nhờ mở mang chăn nuôi bò nên kinh tế hộ khấm khá hẳn. Hiện nay, tổng đàn bò của tỉnh Tiền Giang đã tăng lên trên 69.000 con.
Đối với con dê, một vật nuôi mới được đưa vào nuôi rộng rãi gần đây nhưng đã cho thấy triển vọng tốt, tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển theo hướng bền vững. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang thông qua hoạt động khuyến nông đã trình diễn, thí điểm nhiều mô hình mới để bà con học hỏi, áp dụng như mô hình cải tạo đàn dê địa phương cho năng suất thịt, sữa cao bằng cách lai tạo dê bản địa với các giống dê ngoại nhiều ưu điểm vượt trội. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người nuôi trong quá trình chăm sóc theo khoa học, chú trọng bổ sung khoáng chất cần thiết vào khẩu phẩn ăn hàng ngày nhằm tăng khả năng tiêu hóa hấp thu dinh dưỡng. Nhờ vậy, trọng lượng các giống dê lai đang được nuôi phổ biến cao hơn giống dê địa phương từ 30 – 40%. Tổng đàn dê cũng tăng nhanh, từ mức trên 25.000 con năm 2009 đã tăng lên trên 32.000 con thời điểm hiện nay.
Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây…là những địa phương đi đầu trong việc phát triển nghề nuôi bò, dê thương phẩm làm giàu cho hộ nông dân. Với lợi thế có nguồn thức ăn tại chỗ phong phú, dồi dào, nông dân có trình độ thâm canh cao, đầu ra thuận lợi, Tiền Giang xác định bò, dê là những vật nuôi chủ lực trong cơ cấu ngành chăn nuôi địa phương, giúp diện mạo nông nghiệp – nông dân – nông thôn thay đổi nhanh chóng theo Nghị quyết của Đảng về “Tam nông” đã đề ra./.
Minh Trí/TTXVN