Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân

Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình, kiểm tra, xử lý vướng mắc về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.


Tính đến ngày 04/3/2013, qua báo cáo nhanh của các Bộ, ngành, địa phương , đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi báo cáo về tình hình tổ chức lấy ý kiến. Riêng thành phố Cần Thơ qua  gần 2 tháng thực hiện đã tổ chức hơn 230 cuộc hội nghị có hơn 12.000 lượt đại biểu tham dự, đóng góp hơn 2.700 lượt ý kiến; trong đó, có hơn 1.900 lượt phát biểu ý kiến tại hội nghị và 800 lượt đóng góp bằng văn bản. Nhìn chung các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành và triển khai kịp thời Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, địa phương mình đảm bảo rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; đối tượng lấy ý kiến rất phong phú, hình thức lấy ý kiến đa dạng như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thiết lập các địa chỉ cụ thể để tiếp nhận các ý kiến đóng góp của nhân dân từ nhiều nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, do khối lượng công việc phải thực hiện lớn trong khi nguồn lực có hạn, nên gây khó khăn cho việc bố trí nhân lực và huy động sự tham gia của các đối tượng lấy ý kiến. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trùng với thời điểm lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên phần nào ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và tham gia góp ý.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận đánh giá cao kết quả đạt được và cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã cơ bản thành công, đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Phó Thủ tướng lưu ý đến ngày 15/3, các Bộ, ngành, địa phương phải có báo cáo hoàn chỉnh về Trung ương theo kế hoạch. Trong tập hợp ý kiến cần bám chặt các yêu cầu và hướng dẫn của Chính phủ, đảm bảo đầy đủ, khách quan, thực hiện thống kê và so sánh số liệu cụ thể đối với các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong tuyên truyền, quan tâm đảm bảo tự do, dân chủ nhưng phải đúng định hướng, kiên quyết bài trừ những luận điệu, quan điểm lệch lạc, không để kẻ xấu lợi dụng. Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo duy trì việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước khi Quốc hội thông qua./. 

Công Nguyện – Tấn Hùng

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.