Xuất khẩu thủy hải sản sang châu Phi, Tây Á, Nam Á tăng mạnh

Trong 6 tháng đầu năm, một số nước tại khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á đã có những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu và ban hành các biện pháp bảo hộ mậu dịch đối với mặt hàng thủy hải sản.

Cụ thể, ngày 17/3/2014, An-giê-ri đã ra Thông tư liên bộ về quy định liên quan đến thực phẩm Halal. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/3/2015 và Cơ quan đầu mối cấp chứng chỉ Halal là Bộ Thương mại An-giê-ri.

Tương tự, kể từ ngày 1/9/2014, tất cả các lô hàng cá nuôi xuất khẩu vào Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) phải kèm theo chứng thư có nội dung “Cá nuôi không sử dụng thức ăn có chứa protein của lợn hoặc động vật khác, chỉ được sử dụng protein có nguồn gốc từ biển nhưng không bao gồm protein của cùng loài cá nuôi đó”.

Trước đó, các nước như Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ả-rập Xê-út đã có những biện pháp hạn chế nhập khẩu như đòi hỏi xuất trình các chứng từ giao hàng có chứng thực lãnh sự tại Đại sứ quán ở Việt Nam; Nigeria yêu cầu phải có giấy chứng nhận của Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria (SONCAP) đối với các loại thủy sản nhập khẩu…

Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Cô-oét phát hiện một đoạn phim đăng trên Youtube được cho của kênh truyền hình MBC (có trụ sở chính tại Ả-rập Xê-út, phát sóng rộng khắp các nước Trung Đông) tuyên truyền không căn cứ rằng cá tra của Việt Nam được nuôi trên khu vực ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực, Bộ Công Thương phối hợp với các Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam triển khai một loạt các biện pháp như: đẩy mạnh công tác cập nhật, theo dõi thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ, nhu cầu, chính sách nhập khẩu thủy sản các nước trong khu vực, đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cuộc hội thảo doanh nghiệp; Giới thiệu tiềm năng xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam, các hội chợ quốc tế chuyên ngành như Vietfish 2014 cho các nhà nhập khẩu thủy sản địa phương, vv…

Tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang An-giê-ri và Ma-rốc tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế; sang Nigeria dự Hội thảo doanh nghiệp; tổ chức đoàn XTTM trọng điểm quốc gia tại Ả rập Xê út và Angola với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Các Thương vụ trong khu vực đã tổ chức nhiều sự kiện thương mại, tích cực giới thiệu khách hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, vận động doanh nghiệp sở tại vào Việt Nam gặp gỡ đối tác. Cụ thể: ngày 23/5/2014, tại thành phố Johannesburg, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi phối hợp với Phòng Thương mại thành phố Johannesburg đã tổ chức sự kiện quảng bá mặt hàng cá tra của Việt Nam. Nhiều nhà khập khẩu của nước này đã đến dự, đánh giá cao món cá tra của Việt Nam và đã vào Việt Nam gặp gỡ đối tác. Ngày 22/6, Thương vụ tiếp tục hỗ trợ đoàn 15 doanh nghiệp Hà Nội tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế SAITEX ở Nam Phi.

Ngày 29/5/2014 tại thành phố Alexandria, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đã chủ trì và phối hợp với Phòng Thương mại Alexandria tổ chức Hội thảo “Giới thiệu thị trường Việt Nam” với sự tham gia của 20 doanh nghiệp địa bàn nhằm cung cấp thông tin thị trường cũng như giới thiệu các đối tác tin cậy của Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp Alexandria. Ngày 19/6/2014, Thương vụ tại Kuwait đã tổ chức hội thảo giới thiệu về thị trường Việt Nam, tập trung về lĩnh vực thực phẩm, thủy sản. Thương vụ tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ SIAL, Gulf Food, Triển lãm thực phẩm hữu cơ và thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên tại Dubai.

Nhờ những biện pháp tích cực kể trên, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khu vực Tây Á, Nam Á và Châu Phi có sự tăng trưởng tích cực. Xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) đạt 33,75 triệu USD (tăng 23%), sang Ả rập Xê út 33,66 triệu USD (tăng14%), sang Israel 23,83 triệu USD (+20%), sang Cô-oét 6,28 triệu USD (+30%), Iraq 3,3 triệu USD (tăng153%), Thổ Nhĩ Kỳ 4 triệu USD (tăng60%), sang Ấn Độ đạt 7 triệu USD (tăng29%), Pakistan 6 triệu USD (tăng9%). Riêng kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập, thị trường thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại Châu Phi đạt 31,49 triệu USD tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chính là cá ba sa và tôm đông lạnh.

Tại hầu hết các quốc gia khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển do đó phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Số lượng người nước ngoài (chủ yếu là châu Âu, châu Mỹ) đến làm việc cũng như du lịch ngày càng đông cũng góp phần tăng cầu thủy sản. Mặt khác, cá da trơn ngày càng được ưa chuộng do được đánh giá có chứa ít cholesteron. Thu nhập của nhiều quốc gia xuất khẩu dầu lửa, khoáng sản như Nigeria, An-giê-ri, Libi, Nam Phi, UAE, Ả rập Xê út… được cải thiện do giá thế giới tăng cao cũng góp phần làm tăng nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng thực phẩm trong đó có thủy hải sản.

Hiện nay, xu hướng dùng hàng thủy sản thay thế cho thịt trong bữa ăn của người dân khu vực này đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này, thậm chí doanh nghiệp có thể nghiên cứu phương án nuôi trồng thủy sản tại nước sở tại phục vụ nhu cầu địa phương và xuất khẩu sang các nước lân cận. Trong khi đó nguồn cung cá tra, ba sa, tôm sú trong nước dồi dào với mức giá ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực.

Báo Công Thương Điện Tử

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.