Việt Nam sẽ vào tốp 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất

Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron tới Việt Nam, Ngân hàng HSBC dẫn nhận định này của Phòng Thương mại và Đầu tư Anh quốc.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC tại Việt Nam, “chuyến viếng thăm của phái đoàn Anh quốc đứng đầu là Thủ tướng Anh David Cameron phản ánh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư và con người giữa hai khu vực đối với Anh quốc.

Theo quan sát của HSBC, đang có sự quan tâm ngày càng lớn từ phía các khách hàng quốc tế đối với hành lang kinh doanh giữa Anh quốc và ASEAN. Các khách hàng này phần lớn hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh doanh và dịch vụ tài chính.

Sản phẩm dệt may là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Anh (Ảnh minh họa: KT)

“Đối với các công ty ở một trong hai đầu hành lang ASEAN và Anh quốc, thành công phụ thuộc rất lớn vào việc họ hiểu được sự năng động của thị trường và định hướng hoạt động kinh doanh và môi trường pháp lý. Tăng trưởng của ASEAN cũng như sự hòa nhập ngày càng chặt chẽ như một khối kinh tế đã đem lại những cơ hội hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trên nhiều lĩnh vực”.

Với Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ ra đời vào năm 2016, HSBC cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Anh lần này phản ánh sự tin tưởng ngày càng gia tăng đối với sự hòa nhập của ASEAN. AEC sẽ đưa tới dòng chảy thương mại và hàng hóa tự do hơn giữa các thị trường trong phạm vi ASEAN và giữa ASEAN và bên ngoài, đưa AEC tiềm năng trở thành một trong những đầu tàu của kinh tế thế giới.

Là một thành viên ASEAN, Việt Nam là một phần của khu vực kinh tế đa dạng và khác biệt đại diện cho các cơ hội đối với kinh tế Anh quốc. Theo Phòng Thương mại và Đầu tư Anh quốc, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong một vài thập kỷ tới. Theo đó, hai quốc gia đã tiến hành những bước đi đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư như ký kết Hiệp ước về Đối tác chiến lược vào năm 2010.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Anh bao gồm điện thoại di động, dệt may, giày dép, đồ gỗ, máy tính, phụ kiện máy tính và thủy sản… Theo thông tin từ Cục Xuất Nhập khẩu của Việt Nam, thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh quốc đã đạt giá trị bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2015 với tổng giá trị trao đổi hàng hóa hơn 2 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Anh quốc vào Việt Nam hiện đạt 2,7 tỷ USD và dự kiến đạt mục tiêu 3 tỷ USD đặt ra theo Hiệp ước về đối tác chiến lược.

Nếu hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU được ký kết, sẽ mở ra nhiều cơ hội thương mại và đầu tư hơn nữa cho các công ty thương mại Việt Nam và Anh quốc.

Bình luận về mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Anh quốc, ông Phạm Hồng Hải cho rằng “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư đối với nhiều khách hàng châu Âu của HSBC. Việt Nam đóng vai trò vị trí quan trọng khi họ muốn xây dựng cơ sở kinh doanh tại ASEAN với những lợi thế như ổn định chính trị, chi phí nhân công cạnh tranh, thị trường tiêu dùng nội địa rộng lớn và những kế hoạch tham vọng của chính phủ đối với phát triển cơ sở hạ tầng.”

Trong cuộc họp định kỳ với các nhà đầu tư vào tháng 6/2015, HSBC đã công bố ASEAN là một thị trường ưu tiên quan trọng của Tập đoàn trong chiến lược kinh doanh xoay quanh “Trục châu Á”. HSBC sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào châu Á với trọng tâm là ASEAN.

Xuân Thân/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.