TPCT: Đào tạo nguồn nhân lực y tế – xuất khẩu lao động

Chủ tịch UBND TPCT Lê Hùng Dũng vừa có buổi làm việc với Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH, Sở Y tế và Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng các đơn vị xuất khẩu lao động về việc rà soát lại tình hình dạy và học trong lĩnh vực y tế chuẩn bị nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động.

TPCT: Đào tạo nguồn nhân lực y tế - xuất khẩu lao động
bình quân hàng năm TPCT đã đào tạo cho ra trường từ 200 đến 300 sinh viên trung cấp và cao đẳng thuộc các ngành liên quan đến lĩnh vực y tế

Từ năm 2008 đến năm 2011, bình quân hàng năm TPCT đã đào tạo cho ra trường từ 200 đến 300 sinh viên trung cấp và cao đẳng thuộc các ngành liên quan đến lĩnh vực y tế. Tại cuộc họp các đơn vị liên quan cho biết: Qua làm việc với một số trường có đào tạo điều dưỡng, hộ lý, cho thấy Cần Thơ đủ khả năng đào tạo và cung ứng số lượng lớn nguồn nhân lực y tế có trình độ Cao đẳng. Tuy nhiên, các sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường cần có giấy chứng nhận hành nghề thì mới đi lao động nước ngoài được. Trong khi đó, thị trường tuyển dụng lao động y tế như Cộng hòa liên bang Đức thì chỉ cần nhân lực có trình độ từ trung cấp. Đối với thị trường Nhật Bản thì đòi hỏi biết tiếng Nhật và trình độ từ Cao Đẳng trở lên. Tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng lao động y tế của nước này là rất lớn. Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng lưu ý: Việc đào tạo phải đáp ứng nhu cầu địa phương rồi mới tính đến xuất khẩu lao động.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Lê Hùng Dũng chỉ đạo cho Sở LĐTB&XH sớm hoàn thành đề án đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cho xuất khẩu lao động. Đề án này cần có sự góp ý trực tiếp của các trường giáo dục và đào tạo liên quan đến lĩnh vực y tế, chậm nhất đến tháng 8 này trình UBND TP xem xét. Các đơn vị khác tùy theo chức năng của mình cũng tiến hành rà soát, thống kê cơ sở vật chất trường lớp, nguồn giáo viên và liên kết với các tổ chức xuất khẩu nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho cả vùng ĐBSCL./.

Kiều Nhi – Lâm Trực

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.