Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững

Gần 30 năm sau ngày đổi mới, công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tiến trình này cũng gặp không ít thách thức, khó khăn, cần sớm có giải pháp tháo gỡ để đưa nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển nhanh, ổn định và bền vững… Những vấn đề này đã được các nhà khoa học, nhà quản lý… quan tâm, nêu ý kiến tại Hội thảo khoa học “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL – 30 năm nhìn lại” (gọi tắt là Hội thảo).

Nhiều thành tựu, nhưng…

Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, gần 3 thập kỷ qua, ĐBSCL luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong các chính sách phát triển nông nghiệp. Trong đó, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, tạo tiền đề giải quyết hàng loạt các vấn đề chính trị – xã hội của vùng, đưa nông thôn vùng ĐBSCL tiến lên văn minh hiện đại. PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, cho rằng: Nhờ thực hiện chủ trương CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. ĐBSCL từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, trái cây, thủy sản). Vùng đã hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Các viện, trường, trung tâm nghiên cứu tại vùng ĐBSCL đã tham gia tích cực vào việc lai tạo, cung ứng cây, con giống, vật nuôi và sản xuất các chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật phục vụ nông nghiệp. Nhiều địa phương trở thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp; cơ cấu cây trồng – vật nuôi được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc nhân rộng mô hình “Liên kết bốn nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), vùng ĐBSCL xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả, trở thành hình mẫu cho cả nước, như: mô hình sản xuất lúa theo hình thức “cánh đồng mẫu lớn”, mô hình sản xuất – kinh doanh tổng hợp, mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản ở TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang…

Tăng tỷ trọng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những thành tựu khả quan của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở TP Cần Thơ.

Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng khích lệ, nhưng theo nhiều ý kiến tại Hội thảo, nền nông nghiệp ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế. Kinh tế tỉnh An Giang từ năm 1986 – 2013 có bước phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực và tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng từ khi đổi mới, sản lượng lương thực của tỉnh từ 900.000 tấn (năm 1985) lên gần 1,5 triệu tấn (năm 1900) và đạt gần 4 triệu tấn (năm 2013)… Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, nhất là những vùng khó khăn được nâng lên đáng kể… Tuy nhiên, ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: Sản xuất nông nghiệp phát triển nhưng thiếu ổn định và bền vững; chỉ tập trung phát triển theo chiều rộng, chưa quan tâm nhiều đến đầu tư chiều sâu; nặng tính độc canh cây lúa, con cá… Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, công nghệ vẫn còn ở mức sơ khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm ở quy mô nhỏ và vừa…. Ngoài ra, việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị mới thực hiện trên một số quy mô nhỏ chậm được nhân rộng. Điển hình là mô hình “cánh đồng mẫu lớn” chứng minh được hiệu quả kinh tế – xã hội của các bên tham gia nhưng chưa có chính sách và nguồn nhân lực để nhân rộng mô hình này… Về những yếu kém, phát triển chưa bền vững của nông nghiệp ĐBSCL và cả nước, GS, TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, minh chứng: Từ năm 1986-2003, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng trung bình với tốc độ 5,5%/năm. Mức tăng trưởng này có xu hướng giảm còn 4% (năm 2011), 2,68% (năm 2012) và 2,67% (năm 2013). Giá nông sản, đặc biệt là giá gạo giảm 18,7%, cà phê giảm 26,6%, cao su giảm 22,7% (2013). Năng suất lao động thấp, sản xuất theo định hướng thị trường chưa rõ, thu nhập nông dân thấp so với mặt bằng chung. “Phải chăng, chúng ta đã chú trọng nhiều đến an ninh lương thực quốc gia, ít quan tâm đến an sinh xã hội của người sản xuất nông nghiệp?” – GS, TS Bùi Chí Bửu băn khoăn.

Ngoài ra, công nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm cho nông dân còn yếu kém dẫn đến năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản thấp. Các ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn phát triển chậm; ngành nghề nông thôn tuy có phát triển nhưng chưa đa dạng, quy mô nhỏ, phân tán dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn nhìn chung còn thiếu, chưa đồng bộ, chất lượng thấp; năng lực phòng chống, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn hạn chế…

Tạo sức bật mới

ĐBSCL và cả nước có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Chính vì vậy, CNH, HĐH để nông nghiệp phát triển bền vững, nông thôn ngày càng hiện đại, văn minh, đời sống người dân ngày càng sung túc là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để làm được vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, kiến nghị: Trung ương cần sớm ban hành Quy chế liên kết vùng ĐBSCL để khơi thông các nguồn lực, tăng cường liên kết hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Qua đó, nâng cao vai trò, vị trí của TP Cần Thơ trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Trung ương hỗ trợ về kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng, nhân lực, công nghệ và cơ chế, chính sách ưu đãi để hình thành mạng lưới khu, trạm nông nghiệp công nghệ cao có đủ năng lực nghiên cứu, thử nghiệm, trình diễn, sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ khoa học và công nghệ cao, tạo bước đột phá, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của thành phố và các tỉnh vùng ĐBSCL. Ngoài ra, Chính phủ nên tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, trợ giá một số mặt hàng… Đặc biệt, phải hoàn thiện chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp, phát huy hiệu quả vai trò của ngành công nghiệp phụ trợ đối với sản xuất nông nghiệp, nhằm giúp giảm giá thành, tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản vùng ĐBSCL trên thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã và đang phát triển rộng khắp ở vùng ĐBSCL, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình CNH, HĐH sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, GS, TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ Thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng: Không nên nhầm lẫm mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa ở ĐBSCL với sự lạc quan nhiều hơn sự lo lắng. Bởi số doanh nghiệp thiết tha thật sự với bà con nông dân không phải là con số lớn. Chính vì vậy, phải phát triển kinh tế hợp tác, đặc biệt là HTX nông nghiệp kiểu mới. Bởi vì nếu kinh tế hợp tác chưa phát triển, các nông hộ nhỏ sẽ bị chia cắt khỏi thông tin thị trường, khả năng cạnh tranh yếu, khả năng tiếp cận thị trường khoa học công nghệ thấp, chịu nhiều thua thiệt trong kinh tế thị trường, dễ bị ép giá. HTX sẽ giúp các mô hình Viet GAP, Global GAP phát triển tốt. Ngoài ra, cũng cần chú ý vấn đề tích tụ ruộng đất một cách hợp lý, không đặt nặng vấn đề hạn điền sẽ là tiền đề cho CNH nền nông nghiệp ở ĐBSCL…

CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn nhằm mục đích tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động trong nông nghiệp, gia tăng khả năng thu hút, sử dụng sức lao động dôi dư từ nông nghiệp để phát triển kinh tế – xã hội nông thôn. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn công nghiệp chế biến và thị trường. Xây dựng các nhà máy công nghiệp chế biến trong nông thôn, hạn chế được sự di dân gây xáo trộn. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: Nông nghiệp ở ĐBSCL và cả nước đã và đang trong giai đoạn tăng sản lượng. Đây là một áp lực lớn. Vì vậy, vấn đề của nền nông nghiệp chính là thị trường. Làm thế nào để phát triển thị trường, để sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng là rất quan trọng. Hướng sản xuất trong nông nghiệp phải theo mô hình tăng cầu. Nghĩa là, sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường nhưng phải đi đến người sản xuất. Nếu như những nhà máy sản xuất biết cách tiếp cận thị trường thì người nông dân cũng phải biết. Chứ không thể nào có chuyện sản xuất mà nhờ người khác tiêu thụ hộ. Nông dân chưa biết cách tiếp cận thị trường, chưa biết sản xuất gắn với thị trường thì cần sự hỗ trợ của Nhà nước qua các tổ chức hiệp hội, hợp tác xã, các công ty liên kết… Người sản xuất, công ty sản xuất phải biết đa dạng, đáp ứng về chủng loại và chất lượng sản phẩm. Hướng tới mô hình tăng cầu cần có quy hoạch nhạy bén hơn. Quy hoạch phải đáp ứng cân đối giữa cung và cầu, đảm bảo sự tuân thủ quy hoạch và phải có yếu tố linh hoạt trong những vị trí… Đầu tư trong nông nghiệp cần phải được gia tăng về số lượng, tỷ lệ và cơ cấu đầu tư. Quan trọng nhất của đầu tư là cơ cấu đầu tư. Không chỉ đầu tư cho nông nghiệp mà phải đầu tư cho những sản phẩm nào, nhóm hàng nào tác động vào nông nghiệp… Hướng tới mô hình tăng cầu, các sản phẩm có thế mạnh cần phải chuyển sang chuỗi. Trong đó, vấn đề then chốt nhất là khâu tiêu thụ nhằm hướng tới nền nông nghiệp tăng trưởng hiệu quả và bền vững…

HÀ TRIỀU (baocantho)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.