Thoát nghèo nhờ đan lục bình

Tại nhiều miền quê nghèo ở Vĩnh Long, Bến Tre, các chị em đã tìm thấy niềm vui cuộc sống từ nghề đan lục bình làm hàng thủ công mỹ nghệ. Công việc này giúp các chị có thu nhập ổn định, thoát nghèo mà lại không vất vả như những công việc làm thuê ngoài đồng bữa thất, bữa trúng.

“Từ ngày đan lục bình xuất khẩu tới nay cuộc sống của tui ổn định”, cô Đoàn Thị Huyền, 31 tuổi vừa nói vừa thoăn thoắt luồn những cọng lục bình phơi khô vào thanh sắt sơn đen của cái khuôn được kẹp chặt bên dưới gối, giữa hai cẳng chân. Nụ cười của cô càng tươi hơn khi kể về những ngày tháng gian khó lúc trước: “Khi đó tui phải sớm hôm lam lũ trên những cánh đồng khi thì chang chang nắng, khi thì lạnh lẽo gió mưa mà số tiền kiếm được chẳng có bao nhiêu”. Cô bạn ngồi kế bên Huyền nhanh nhẹn tay đan, không cần nhìn khuôn, ngước mắt nhìn khách, thổ lộ: “Hồi đó, em lúc thì vô phân cây giống, lúc tỉa cành lá cây kiểng, nắng nôi cực khổ muôn phần mà số tiền kiếm được cũng “bữa đực bữa cái”. Còn bây giờ ổn định lắm rồi. Nghĩ cũng ngộ, cái giống lục bình trôi sông là đồ bỏ hồi xưa, bây giờ lại giúp tụi em đổi đời, có cuộc sống ổn định”. Đó là cô Phan Mộng Tím, 28 tuổi. Cả hai cô Huyền và Tím đều là nhân công đại lý đan lục bình gia công, tọa lạc tại ấp Phước Định 2 (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) do ông Lâm Phước Thuận làm chủ.

Nữ công nhân đan lộc bình vui vẻ kể về thu nhập ổn định của nghề này.

Ông Thuận cho biết trước đây ông cũng làm hết nghề nầy tới nghề khác, vất vả kiếm miếng cơm. Tình cờ biết và được nhận làm đại lý gia công đan lục bình cho cơ sở, từ đó đời sống ổn định hơn. Để được làm đại lý, ông Thuận vận động, thu hút một số thợ đan gia công. Đến nay, trong tay ông có đến 30 thợ đan lục bình. Việc đan lục bình của thợ được kỹ thuật viên của công ty đến dạy. Vì “tay ngang” nên các cô, các chị người nào “sáng dạ” thì học ba ngày là bắt tay tự thực hiện các thao tác đan một cách khá thuần thục. Còn cô hay chị nào học chậm hơn, mất tới một tuần cũng thoăn thoắt “tay nghề”. Cô Dương Huệ Tám, 50 tuổi, tâm sự: “Xưa kia tui đi làm cỏ lúa trầy trật mới có ăn, có khi cả tuần hổng ai kêu. Từ ngày vô làm công ở đây thiệt là sung sướng”. “Sung sướng?”, chúng tôi hỏi. Chị cười e thẹn: “Là “ngồi mát ăn bát vàng”. Nói vậy là quá lời. Thiệt ra tụi tui ngồi trong mát, ai làm nhiều có tiền nhiều”. Chúng tôi hỏi: “Chị đan một cái lộc bình khổ 1mx0,30m được hưởng bao nhiêu tiền?”. Cô Lý Như Thủy buột miệng: “25.000 đồng”. Cô Hà Thị Hồng nói: “Một ngày làm xìu xìu hai cái, được 50.000 đồng. Làm giờ hành chánh như… công chức. Về nhà rảnh kiếm việc gì đó làm thêm, đời sống ổn định hơn”.

Ông Thuận cho biết đại lý của ông chỉ phụ trách mỗi một mặt hàng là đan lục bình thành lộc bình. Lục bình phơi khô và khuôn sắt sơn tĩnh điện cơ sở giao. Thợ chỉ việc kẹp khuôn dưới gối giữa bắp chuối và bắp vế rồi đan cho đến khi lục bình phủ kín cả khuôn theo yêu cầu. Sản phẩm thợ đan xong, ông Thuận phơi nắng. Nắng tốt phơi ba nắng, ngày mưa thì lâu hơn. Nếu sản phẩm bị mốc, phải chà sạch mốc, phơi lại. Sản phẩm thật khô, ông Thuận sơn màu cơ sở giao. Hoàn tất một sản phẩm thô, ông được hưởng 2.000 đồng. Ngoài ra, ông còn được hưởng huê hồng 2.000 đồng/sản phẩm. Bình quân một tuần ông Thuận giao cho cơ sở 150 sản phẩm thô. Sản phẩm này được đưa về cơ sở của ông Nguyễn Trọng Hiếu “o bế” cho đẹp lên rồi chuyển về công ty kiểm tra nhiều mặt, sơn PU trước khi xuất xưởng.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, trước kia là công nhân Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Long, tọa lạc tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ, Vĩnh Long). Một thời gian, do sức khỏe kém, ông xin nghỉ việc, xin làm Cơ sở gia công hàng thủ công mỹ nghệ Trọng Hiếu (trực thuộc công ty) tại khu phố 2, thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Từ đó đến nay đã 13 năm. Làm vệ tinh cho cơ sở ông Hiếu là 7 đại lý, trung bình mỗi đại lý có từ 30 đến 50 công nhân. 6 đại lý kia thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre, chỉ duy nhất đại lý của ông Thuận, tuy ở vào địa bàn huyện Long Hồ nhưng ấp Phước Định cách thị trấn Chợ Lách chỉ hơn 10km. Cơ sở ông Hiếu sản xuất 2 mặt hàng: lộc bình thô và chậu quai hồng thô. Hiện tại, cơ sở của ông Hiếu đang phát triển thêm các đại lý ở Ba Vát (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre).

Ông Hiếu cho biết phụ nữ xứ này việc làm thuê làm mướn thất thường, kéo theo cái nghèo triền miên. Công việc đan lục bình giúp giải quyết việc làm trong thời gian nhàn rỗi của họ. Lục bình là loài cây thân thảo, trôi dài trên các nhánh sông hoặc quần tụ nơi các ao đầm, mương vườn. Vào khoảng ba tháng tuổi, cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây dài khoảng 60cm. Đó là lúc thích hợp nhất để người ta thu hoạch, cắt sát gốc, vạt bỏ lá, phơi nắng vài ba bữa cho héo khô, thành nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Loại hàng thủ công mỹ nghệ từ thân cây thủy thảo này đã được bà con ta “khai sáng” từ hàng chục năm nay, giúp cho biết bao người không có nghề nghiệp, không có học thức, không có đất đai sản xuất có công ăn việc làm ổn định. Đó là một cách xóa đói giảm nghèo khá hiệu quả cho chị em nông thôn. Người nào tay nghề cao, siêng năng, cần cù, làm đúng 8 giờ một ngày, thu nhập tối thiểu 65.000 đồng – 70.000 đồng, ông Hiếu tiết lộ.

Đâu chỉ hưởng tiền từ sản phẩm hoàn thành, đầu tiên nhân công được học nghề miễn phí do kỹ thuật viên công ty huấn luyện. Bên cạnh đó, có nơi, hội phụ nữ địa phương hỗ trợ tiền ăn trưa 25.000 đồng/ngày cho một nhân công. Làm 6 tháng trở lên, công ty cho con em nhân công tập vở nhân ngày tựu trường; ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán, công ty tặng quà. Nhân công làm được 1 năm, công ty mua bảo hiểm y tế. Người nào có dấu hiệu sức khỏe không tốt được ngưng việc… Làm được như vậy nhờ công ty đặt chế độ chăm sóc nhân công lên hàng đầu. Có thể nói Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Long lúc nào cũng muốn nhân công có cuộc sống tốt, sản phẩm của mình phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, kỹ thuật cao, mẫu mã mang đậm nét thẩm mỹ và vệ sinh an toàn sản phẩm. Lục bình nguyên liệu, hóa chất do công ty cung cấp, công ty tuyệt đối không cung cấp hóa chất độc hại cho nhân công sử dụng. Công ty có các cơ sở rộng khắp nhiều tỉnh từ Nam chí Bắc, mỗi nơi được công ty chọn sản xuất một mặt hàng đặc thù của địa phương. Chẳng hạn Khánh Hòa mạnh nhất về mây, tre, chuối; Đồng bằng sông Cửu Long mạnh về lục bình (đặc biệt là các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long); Bến Tre có các sản phẩm từ dừa, như yếm dừa, cọng dừa,…; Vũng Liêm (Vĩnh Long), Trà Vinh mạnh về các sản phẩm đan từ lác… Tất cả các sản phẩm này được công ty xuất cho tập đoàn IKIA để tung đi nhiều nước châu Âu. Ông Hiếu cho biết như vậy.

Cần Thơ Online

Có thể bạn quan tâm
5 Comments
  1. Ngọc Ân nói

    Bên mình cung cấp lục bình khô 0976023938

  2. Hạnh nói

    Chào Bạn. Bạn vui lòng cho mình xin báo giá vào mail anhdao145@gmail.com hoặc số đt 01229795635. Mình cám ơn

    1. Huỳnh Thảo nói

      Mình muốn làm đại lý cho bên công thì làm như thế nào vậy bạn? Có gì liên hệ mình Sđt; 0976553305

  3. võ thị thúy an nói

    Ở nơi mình lục bình nhiều lắm mua bán thế nào vậy các bạn?

  4. Nguyễn THị Hồng Trang nói

    Mình Muốn LÀm Đại Lý cho bên công ty thì làm như thế nào? xin liên hệ 0911646439 chỉ giúp mình với, mình muốn tạo công ăn việc làm thêm cho bà con nơi mình. Mình Ở Tam Bình Vĩnh Long.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.