Phòng ngừa bệnh lao ở trẻ

Mỗi năm, nước ta ước tính có thêm 145.000 người mới mắc bệnh lao và 20.000 người chết do bệnh lao. Mặc dù việc tiêm vắc-xin phòng chống lao cho trẻ đã được thực hiện khá tốt nhưng tỉ lệ trẻ em mắc lao vẫn còn cao.

Bệnh lao có những biểu hiện giống như các căn bệnh khác về đường hô hấp. Chỉ có xét nghiệm mới xác định được có nhiễm bệnh hay không. Chính vì vậy, thời gian qua, đã có nhiều trường hợp mắc lao nặng mới được đưa đến bệnh viện điều trị, những trường hợp như vậy đã ảnh hưởng tiêu cực tới sức đề kháng và quá trình điều trị bệnh.

Lao là một bệnh truyền nhiễm, do vi trùng lao gây ra. Việc chẩn đoán lao trẻ em từ xưa tới nay luôn khó khăn vì chỉ khi nào tìm ra vi trùng lao mới khẳng định được trẻ mắc bệnh. Trường hợp trẻ không tiêm phòng lao thì nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Cần đưa trẻ đi tiêm phòng lao để giảm nguy cơ mắc bệnh (Ảnh minh họa: Sức khỏe đời sống)

Ngoài ra, với những trẻ bị nhiễm HIV hoặc trẻ mắc các bệnh lý khác mà hệ miễn dịch suy giảm cũng có nguy cơ bị lao cao. Triệu chứng mắc lao không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh hô hấp khác. Để phòng bệnh, sau khi sinh 3 ngày trẻ phải được tiêm vaccin phòng lao.

TS. Đỗ Châu Giang, Trưởng Phòng Quản lý Chất Lượng, chuyên viên Lao Trẻ em – BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết: “Phải tiêm phòng lao cho cháu; đồng thời phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Trong gia đình có người mắc lao thì cố gắng cách ly đừng tiếp xúc với trẻ”.

Theo các bác sĩ, phụ huynh cần theo dõi con em mình khi thấy các đợt ho kéo dài hay có các đợt sốt tái đi tái lại, chậm lớn, sụt cân, đổ mồ hôi trộm, khò khè kéo dài; hoặc trẻ được chẩn đoán hen suyễn hay viêm phế quản nhưng điều trị liên tục mà vẫn không thấy hết, hoặc có giảm ho một thời gian rồi lại ho trở lại.

Đặc biệt, nếu trong gia đình có người bị bệnh lao phổi thì rất nhiều khả năng trẻ bị lao sơ nhiễm. Lúc này, trẻ cần được đưa đến các phòng khám chuyên về lao và hô hấp để được tầm soát bệnh.

HTV

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.