Phát triển sản xuất cây mè trên chân ruộng lúa

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2014-2015, nhiều nông dân ở TP Cần Thơ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại rau màu, nhất là trồng cây mè trên chân ruộng lúa. Đến thời điểm này, diện tích gieo trồng mè trong vụ xuân hè (vụ hè thu sớm 2015) tại nhiều địa phương trong thành phố tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước…

* Nhiều kỳ vọng từ cây mè

Những năm qua, nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ đã gieo trồng cây mè trên chân ruộng lúa trong vụ hè thu. Cách luân canh giữa lúa và hoa màu này đã giúp nông dân nâng cao được hiệu quả sản xuất đáng kể so với làm 3 vụ lúa trong năm. Khẳng định được hiệu quả của việc gieo trồng mè trên chân ruộng lúa, vụ hè thu 2015, nhiều hộ dân tiếp tục duy trì trồng mè. Ông Trần Văn Mèo, khu vực Tân Bình, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Gia đình trồng cây mè luân canh trên lúa được 4 năm nay và thấy hiệu quả rất tốt nên vụ xuân hè này tiếp tục gieo trồng 1 ha mè. Do cây mè chịu nắng hạn nên rất thích hợp trồng trong vụ xuân hè, không phải lo bơm tưới nước liên tục như trồng lúa, lợi nhuận thu được từ trồng mè thường cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Thời gian qua, 1 ha trồng mè tôi có thể thu lợi nhuận từ 30-35 triệu đồng/vụ”. Ông Nguyễn Văn Tầm, ngụ phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Cây mè trồng chỉ khoảng 75-76 ngày là thu hoạch. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tôi chuyển hết 3,5 công ruộng sang trồng mè trong vụ hè thu sớm. Năm rồi, mè cho năng suất bình quân 8 giạ/công và bán được giá khá cao, 42.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí, tính ra tôi còn lời trên 3 triệu đồng/công”.

Trồng mè trên chân ruộng lúa tại phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Năm nay, giá lúa giảm ngay từ vụ đông xuân 2014-2015. Điều này khiến nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mè với hy vọng giá cả đầu ra thuận lợi và hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn trồng lúa. Theo anh Biện Thiện Mẫn, ngụ khu vực Tân Lợi 1, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, vụ lúa đông xuân 2014-2015 trúng mùa, nhưng nhiều nông dân trồng lúa tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL vẫn kém vui do giá lúa giảm làm lợi nhuận bị sụt giảm mạnh so với vụ đông xuân trước. Các năm qua, nhiều bà con ở Thốt Nốt trồng mè trong vụ hè thu sớm có hiệu quả cao, vụ này anh chuyển hết 16 công lúa sang trồng mè với hy vọng nâng cao hiệu quả sản xuất. Anh Mẫn cho biết: “Ruộng mè của tôi và nhiều hộ dân trên cùng cánh đồng đã gieo trồng được hơn 1 tháng, cây phát triển rất tốt. Tôi và bà con ở đây đang tích cực theo dõi, chăm sóc và tin tưởng có một vụ mè trúng mùa”.

Hiện nay, diện tích gieo trồng mè trên chân ruộng lúa trong vụ hè thu sớm ở TP Cần Thơ đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và dự đoán còn tăng do nông dân tiếp tục xuống giống. Ông Nguyễn Trọng Trí, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ hè thu 2014, toàn phường chỉ có trên dưới 70 ha trồng mè trên chân ruộng lúa. Hiện nay, diện tích trồng mè đã ở mức 187 ha và có khả năng đạt 200 ha trong một vài tuần tới. Phường dự kiến sẽ mở ngay một lớp tập huấn kỹ thuật để nhằm kịp thời tập huấn sản xuất cho bà con”. Ông Nguyễn Công Toán, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Lạc, quận Ô Môn, cho biết: “Các năm trước, từ chỗ chỉ có vài ha trong vụ hè thu hiện nay phường Trường Lạc đã có trên 20 ha trồng mè. Để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất hiệu quả, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các bên có liên quan tập huấn kỹ thuật và cung cấp các thông tin cần thiết cho bà con”.

* Cần phát triển sản xuất gắn thị trường

Lúa hè thu thường là một vụ lúa có nhiều bất lợi do các yếu tố thời tiết: nắng nóng vào đầu vụ và mưa vào cuối vụ, nhất là giai đoạn thu hoạch ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm và giá bán lúa. Do vậy, việc chuyển đổi bớt diện tích sản xuất lúa hè thu kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác để có hiệu quả hơn là rất cần thiết, đồng thời giúp giảm áp lực trong tiêu thụ lúa. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong vụ hè thu và chủ động phòng tránh thiếu nước sản xuất trong mùa khô, ngành nông nghiệp thành phố khuyến cáo nông dân giảm bớt các diện tích sản xuất lúa hè thu sớm, chuyển sang trồng rau màu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Trong đó, ngành nông nghiệp thành phố đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất đa dạng các loại rau màu gắn với thị trường và có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nhằm đảm bảo tốt đầu ra. Đặc biệt, đối với các loại cây công nghiệp ngắn ngày, như: mè, đậu nành… cần tổ chức nông dân trồng thành từng vùng tập trung để dễ quản lý sản xuất, tiêu thụ và hướng đến việc có hợp đồng bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp như mô hình “cánh đồng mẫu” trong sản xuất lúa. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp thành phố yêu cầu các quận, huyện tiếp tục phát triển sản xuất lúa hàng hóa theo hướng chất lượng cao gắn với duy trì, mở rộng các diện tích lúa tham gia mô hình “cánh đồng mẫu” có hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm.

Thực tế cho thấy, phát triển sản xuất luân canh giữa lúa với cây mè trong vụ hè thu không chỉ giúp nông dân tăng được lợi nhuận ngay trong vụ sản xuất này mà có còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các vụ sản xuất lúa sau. Ruộng lúa sau khi luân canh trồng mè, gieo sạ lại lúa thường trúng mùa, ít sâu bệnh hơn so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa trong năm do các mầm sâu bệnh bị tiêu diệt. Cây mè cũng là loại cây trồng giúp tiết kiệm nước trong mùa nắng và thích ứng tốt được với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong vụ sản xuất hè thu hằng năm. Ngoài ra, hạt mè sau khi thu hoạch và phơi khô, có thể bảo quản được trong một thời gian rất dài, đây cũng là điều kiện giúp có thể trữ hàng lại để chờ giá, hạn chế được áp lực bán ra khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Tuy nhiên, với tình trạng tăng diện tích sản xuất mè tại nhiều địa phương và nhiều nhà nông thường muốn bán sản phẩm ngay sau thu hoạch, giá mè rất dễ bị giảm khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Để phát triển sản xuất cây mè bền vững, chính quyền các cấp và nông dân cần theo dõi chặt chẽ vấn đề đầu ra sản phẩm và có các giải pháp chủ động trong thu hoạch, bảo quản sản phẩm nhằm chọn thời điểm bán có lợi nhất về giá.

Khánh Trung (Báo Cần thơ)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.