Nóng bỏng cuộc chiến chống buôn lậu ở tuyến biên giới Tây Nam

Tuyến biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia dài hàng trăm kilômét, với địa hình sông nước, ruộng đồng có hàng ngàn đường mòn lối mở rất dễ cho dân “đánh thuê” hàng lậu tuồn vào nội địa.

Khu vực biên giới thuộc sự quản lý của Đồn biên phòng Cầu Muống (xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) vốn là điểm nóng buôn lậu từ nhiều năm qua, nay không còn cảnh xuồng máy cao tốc chở hàng lậu, mà họ đã chuyển sang dùng xe máy chạy tốc độ cao. Trẻ em cũng bị lợi dụng mang vác hàng lậu. Các đối tượng buôn lậu với nhiều thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Sử dụng xe máy vận chuyển thuốc lá lậu trên đường ở tỉnh Long An.

Nhiều chiêu tuồn hàng lậu

Chúng tôi tới xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp khoảng 16h một ngày cuối tháng Sáu, con đường bêtông rộng khoảng 6m chạy dọc bờ sông đến sát biên giới với Campuchia rất ít xe qua lại.

Đến Đồn biên phòng Cầu Muống, sau màn chào hỏi xã giao, Thượng tá Nguyễn Mạnh Tri, đồn trưởng nói ngay “muốn viết buôn lậu thì phải ăn nằm ở đây với chúng tôi mới có hình ảnh hay được, chứ đi hiên ngang giữa ban ngày làm sao mà bắt được họ.” Rồi anh Tri kể cho chúng tôi nghe sự gian nay, khổ cực của các anh trong công tác chống buôn lậu.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Tri cho biết, đồn quản lý địa bàn hai xã biên giới Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B với đường biên dài 11km, nhưng lại có địa hình sông nước, đường bộ rất dễ cho dân buôn lậu sử dụng đội ngũ mang vác thuê tuồn hàng vào nội địa. Những năm trước, dân tải hàng thuê thường sử dụng xuồng máy công suất lớn để chở hàng trên sông.

Với hình thức vận chuyển này, dân buôn lậu đã bị các lực lượng chức năng vây bắt hầu hết. Từ 2013 trở lại đây, họ chuyển sang dùng xe máy “đôn nòng” chở hàng chạy với tốc độ cao để dễ bề tẩu thoát khi bị truy đuổi và một lượng lớn hàng lậu đã tràn vào nội địa.

Ở xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, chăn nuôi nhỏ lẻ, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Cả hai xã có dân số khoảng 10.000 người, nhưng có đến 70% là người Việt ở Campuchia hồi hương nên thiếu đất sản xuất, việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định. Theo Thượng tá Tri, ở ấp 1, 2 xã Thường Thới Hậu B người dân chủ yếu đi chở thuốc lá lậu, đường cát thuê cho các chủ hàng lậu dấu mặt.

Thượng tá Tri cho biết, thời gian gần đây bọn buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt các lực lượng chức năng như giảm tần suất chở hàng trên đường, vận chuyển từ 5-6 giờ, 10-12 giờ và 18-20 giờ để tránh bị bắt giữ. Khi bị truy đuổi chúng chạy với tốc độ cao vào khu dân cư để trốn, còn người dân có biết chỗ cất giấu cũng không dám chỉ cho người thực thi công vụ vì sợ bị trả thù.

Chiêu mới nhất hiện nay bọn buôn hàng lậu áp dụng là thuê trẻ em, người già mang vác từ 5-10 cây thuốc đi qua những lối mòn trên biên giới hay qua đồng lúa để tránh bị theo dõi và bắt giữ. Trường hợp bị bắt giữ, thì họ huy động nhiều người tổ chức gây rối cướp hàng từ tay người thực thi công vụ.

Cũng với các chiêu thức mang vác hàng lậu như ở Đồng Tháp, lãnh đạo các đồn biên phòng ở An Giang, Kiên Giang mà chúng tôi tới tìm hiểu cũng cho biết, tình hình buôn lậu ngày một tinh vi và manh động hơn.

Ở Kiên Giang lợi dụng địa hình đa dạng, chia cắt bởi sông ngòi, hải đảo các đối tượng đã khai thác triệt để để buôn lậu và gian lận thương mại. Các mặt hàng chủ yếu được tuồn bất hợp pháp vào Việt Nam là gỗ tròn, xăng dầu, thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan…

Địa bàn nóng ở Kiên Giang là phía Bắc đảo Phú Quốc; tuyến biên giới Hà Tiên, Giang Thành, Kiên Lương chủ yếu là dân buôn lậu thuốc lá ngoại và đường cát nhỏ lẻ. Thủ đoạn của bọn buôn lậu là lợi dụng chức năng xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, kinh doanh mua bán hàng hóa ở khu vực biên giới, trên biển hoặc hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa, khai thác hải sản xa bờ để buôn lậu, gian lận thương mại.

Để tránh bị phát hiện, bắt giữ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng thường xé lẻ hàng hóa lậu, vận chuyển vào ban đêm để dễ vứt hàng, bỏ trốn khi bị phát hiện, truy đuổi.

Quyết tâm ngăn chặn

Thượng tá Nguyễn Mạnh Tri, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cầu Muống cho biết, từ năm 2013 trở về trước dân buôn lậu thường rất manh động, thường sử dụng những vật tày để tấn công các lực lượng chức năng nhằm giành lại hàng khi bị bắt giữ. Đã có nhiều chiến sỹ biên phòng bị thương khi làm nhiệm vụ.

Điển hình là vụ việc xảy ra tháng 10/2013, đối tượng Trần Văn Sơn, Nguyễn Văn Phương và Lê Văn Sơn ngụ ấp 1 và ấp An Thạnh, xã An Lạc, thị xã Hồng Ngự đánh Trung úy biên phòng Lại Văn Quy gãy tay (giám định thương tật vĩnh viễn 14%). Ba đối tượng đã bị khởi tố và kết án tù từ 30-36 tháng, hiện đang chấp hành hình phạt.

Theo báo cáo, năm 2013 Đồn biên phòng Cầu Muống bắt được 40 vụ buôn lậu, với 18.000 gói (cây) thuốc lá ngoại. Sáu tháng năm 2014 đồn bắt được 71 vụ, với 49.500 gói thuốc lá ngoại, 35 bao (50kg/bao) đường cát Thái Lan.

Theo đồn trưởng Nguyễn Mạnh Tri, sở dĩ có kết quả chống buôn lậu khả quan trong 6 tháng qua đó là nhờ làm tốt công tác xây dựng cơ sở, mạng lưới nắm tình hình chính xác, phối kết hợp tốt với các lực lượng chống buôn lậu khác như hải quan, công an, quản lý thị trường và đặc biệt là “tóm” được những ổ buôn lậu lớn.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Anh, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp, tình hình buôn lậu xảy ra ở một số địa bàn như xã Thường Thới Hậu B (Đồn biên phòng Cầu Muống), xã Thường Phước 1 (Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước), xã Tân Hộ Cơ (Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà). Các mặt hàng chủ yếu là thuốc lá ngoại, đường cát trắng, gỗ xẻ…

Đại tá Nguyễn Đình Anh cho biết thêm, hiện có khoảng 35 đối tượng đầu nậu lớn, chủ yếu cư trú trên địa bàn sát biên giới với Campuchia. Trong 6 tháng qua, nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, kết quả đã bắt được 157 vụ/ 28 đối tượng, hàng hóa thu giữ được 3m 3 gỗ, gần 86.000 gói thuốc lá ngoại, gần 5 tấn đường cát trắng… có tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng.

Còn tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang), công tác đấu tranh chống buôn lậu cũng được các lực lượng chức năng triển khai có hiệu quả. Sáu tháng đầu năm 2014, bộ đội biên phòng Tịnh Biên và các lực lượng khác bắt được nhiều vụ vận chuyển dầu ăn, vải vóc, thuốc lá, đường cát trắng, bia, kem đánh răng, mỹ phẩm… trái phép qua biên giới, có giá trị hàng trăm triệu đồng.

Kiên Giang có địa bàn đa dạng, buôn lậu diễn ra chủ yếu trên biển, nhưng nhờ sự kết hợp đấu tranh hiệu quả, từ năm 2013 đến nay nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị lực lượng chức năng cùng với biên phòng triệt phá. Kết quả 68 vụ với 41 đối tượng bị bắt, thu giữ 7,8m3 gỗ, 36.765 lít dầu DO, 49.580 gói thuốc lá ngoại, 1,9 tấn đường cát… trị giá gần 1 tỷ đồng. Có 33 đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, răn đe, giáo dục tại địa phương.

TTXVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.