“Những mảnh ghép cảm xúc”: Kỳ quan hoạt hình mới của hãng Pixar

Trong hai thập niên kể từ cột mốc “Toy Story” năm 1995, hãng Pixar luôn làm những người hâm mộ thể loại phim hoạt hình phải bất ngờ bởi những câu chuyện vừa sáng tạo, ý nghĩa lại vừa giàu tính giải trí. Pixar đưa cảm xúc vào mọi thứ: từ đồ chơi (ba tập phim Toy Story), cá (Finding Nemo), siêu anh hùng (The Incredibles), chuột (Ratatouille) cho tới người máy (Wall-E)…

Các nhân vật thú vị trong Inside Out (Nguồn: Disney)

Và tới năm 2015 này là câu chuyện về những… cảm xúc có cảm xúc qua bộ phim đặc sắc “Inside Out” (tựa Việt là Những mảnh ghép cảm xúc). Một lần nữa, Pixar lại thành công trong việc là ra một bộ phim “trẻ con cũng thích, người lớn cũng mê”.

Bản hòa ca của cảm xúc

Mở đầu “Inside Out” là cảnh bé gái Riley chào đời trong sự chờ đón của cha mẹ. Ngay từ giây phút mới lọt lòng, trong não bộ cô bé đã xuất hiện nàng Joy – đại diện cho cảm xúc Vui Vẻ. Kể từ đó cho tới khi lên 11 tuổi, các hành động và tâm trạng của Riley bị chi phối bởi năm cảm xúc gồm Joy, Sadness (Buồn bã), Anger (Giận dữ), Disgust (Chảnh chọe) và Fear (Sợ hãi). Những cung bậc cảm xúc ấy sử dụng bàn điều khiển trong não bộ Riley để giúp cô bé có những phản ứng phù hợp đối với từng tình huống trong cuộc sống.

Một ngày nọ, gia đình Riley rời bỏ mái nhà ở Minnesota để chuyển tới sống tại San Francisco. Bị buộc phải rời khỏi nơi mình sinh ra và lớn lên, cũng như bỏ lại đằng sau những người bạn nối khố, Riley không tránh khỏi những bức xúc. Năm cung bậc cảm xúc cũng hoang mang không kém khi phải tìm cách giúp Riley hòa nhập với thành phố, căn nhà, trường học và những người bạn mới.

Chính từ đây, xích mích đã xảy ra và vô tình cuốn Joy và Sadness bay xa khỏi trụ sở. Họ lạc trong não bộ của Riley với những ký ức đã lãng quên, những giấc mơ đang dang dở… và phải tìm mọi cách để trở lại phòng điều khiển trước khi Riley đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ lúc này, “Inside Out” đã được nhắc tới như một ứng cử viên sớm cho giải Oscar “Phim hoạt hình xuất sắc nhất” vào đầu năm tới. Bởi bộ phim là một bản hòa ca tuyệt vời của những cung bậc cảm xúc, đưa người xem lên chuyến tàu của những dòng suy nghĩ bất tận mà trên hành trình ấy, người ta có thể khóc, cười vì những gì mình được trải qua.

Giống như nhiều bộ phim hoạt hình khác, thế giới của “Inside Out” rực rỡ những sắc màu với những nhân vật mang những màu sắc rất riêng. Từng nhân vật đều được thiết kế dựa trên một biểu tượng ý nghĩa, như niềm vui Joy tỏa sáng giống một ngôi sao, cô nàng Sadness buồn bã giống một giọt nước mắt hay ông Angry giận dữ mang màu đỏ của một viên gạch nung. Sự rực rỡ của các gam màu là yếu tố thu hút những ánh mắt, còn sự sáng tạo của câu chuyện là thứ níu khán giả đến tận phút cuối cùng.

Đánh thức cảm xúc đã ngủ quên

Ngay cả xét theo “chuẩn Pixar” thì “Inside Out” vẫn là một bộ phim đặc biệt sáng tạo. Bởi nếu chỉ nhìn từ thế giới bên ngoài của Riley, những diễn biến của phim có thể được tóm gọn chỉ trong vài câu chữ. Song bên trong đầu cô bé là cả một hành trình dài của những cảm xúc và ký ức: từ chuyến phiêu lưu của Joy và Sadness để trở về tổng hành dinh cảm xúc cho tới những tranh cãi khi bàn điều khiển vắng mặt họ… Có thể nói, “Inside Out” đã làm thay đổi cách con người mường tượng về cảm xúc, bởi đã có không ít khán giả tự đặt câu hỏi về những phản ứng của bản thân sau khi rời chân khỏi rạp.

Hành trình dài của Joy và Sadness ấy là một chặng đường gian nan, khi cả hai phải loay hoay tìm đường, vượt qua những bất đồng và trải qua những miền đất mà họ chỉ nghe nói tới. Hành trình ấy vừa có thể khiến những khán giả nhí thích thú theo dõi, lại vừa có thể khiến người lớn phải bùi ngùi bởi những cảm xúc riêng.

Inside Out là hành trình khám phá cảm xúc (Nguồn: Disney)

Bởi giống như cảm giác ngỡ ngàng của Joy và Sadness khi bắt gặp những ký ức bị bỏ quên tự khi nào của Riley hay người bạn tưởng tượng Bing Bong của cô bé thời thơ ấu, khán giả cũng giật mình nhớ ra rằng mình cũng từng có những ký ức như thế. Những quả cầu đại diện cho những ký ức của Riley – sáng rực rỡ thì được giữ lại, nhạt dần thì bị bỏ xó. Con người ta ai cũng phải lớn lên và giữa những bộn bề của cuộc sống, những ký ức trong trẻo, những ước mơ con trẻ … cùng dần ngả màu xám, để rồi một lúc nào đó bị chìm hoàn toàn vào quên lãng.

“Inside Out” đánh thức những cảm xúc đã ngủ quên ấy, đồng thời truyền tải một thông điệp giàu ý nghĩa: hãy biết sống đúng với cảm xúc của mình và đừng cố phủ lớp mặt nạ tươi vui lên mọi thứ. Cuộc sống này luôn tràn ngập những bất ngờ, những vui buồn mà ai cũng sẽ đôi lần trải qua. Những nụ cười hạnh phúc nhất luôn đến sau khi phải nếm trải những xót xa, những ký ức đẹp đẽ nhất cũng phải gắn với một chút bâng khuâng … là điều mà “Inside Out” giúp khán giả nhận ra.

94 phút của bộ phim là một hành trình song hành của niềm vui và nỗi buồn, để rồi đưa khán giả đến với cái đích là tổng hành dinh ngập tràn tình yêu thương gia đình. Với thông điệp ý nghĩa và sự sáng tạo đặc sắc, “Inside Out” xứng đáng với danh xưng “kỳ quan hoạt hình” và là phim xuất sắc nhất của Pixar kể từ “Toy Story 3”.

Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc)

Đạo diễn: Pete Docter, Ronaldo Del Carmen
Diễn viên lồng tiếng Anh: Amy Poehler, Bill Hader, Lewis Black
Diễn viên lồng tiếng Việt: Miu Lê, Miko Lan Trinh
Thể loại: Hoạt hình, Gia đình
Thời lượng: 94 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 21/8.

THỊNH JOEY (VIETNAM+)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.