Nhật kỷ niệm 70 năm ngày bị ném bom nguyên tử xuống Nagasaki

Tưởng niệm 70 năm ngày bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, nhiều người sống sót vẫn vẹn nguyên ký ức kinh hoàng một thời.

Hôm nay (9/8), Nhật Bản kỷ niệm 70 năm ngày quả bom nguyên tử thứ hai của Mỹ ném xuống thành phố cảng công nghiệp Nagasaki, 3 ngày sau khi quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới rơi xuống Hiroshima. Những người may mắn sống sót sau thảm họa này giờ đây cũng đã ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng những ký ức kinh hoàng và bài học đau thương mà họ còn lưu giữ cho thế hệ mai sau vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Thả bóng bay hình bồ câu tại một sự kiện tưởng niệm 70 năm vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki. Ảnh: Reuters.

Đúng 11h02t sáng nay (tức 9h02 theo giờ Việt Nam) tại khu tưởng niệm các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki, một hồi chuông gióng lên trong phút mạc niệm dành cho những người đã khuất.
Tham dự lễ tưởng niệm có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy, quan chức 76 nước trên thế giới, trong đó có Nga và Pháp, cùng người dân thành phố Nagasaki, trong đó có những nhân chứng của thảm họa này.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi lời chia buồn sâu sắc đến những người đã mất thân nhân cũng như bày tỏ sự cảm thông đối với những người vẫn còn hứng chịu những hậu quả của vụ nổ bom nguyên tử.
Ông Abe nhấn mạnh: “Khi tôi nhìn thấy thành phố Nagasaki ngày nay đã được xây dựng lại, tôi càng trân trọng hơn những giá trị của hòa bình. Và để không bao giờ phải hứng chịu những thảm họa hạt nhân như thế nữa, chúng tôi tái khẳng định cam kết tuân thủ những nguyên tắc về an toàn hạt nhân là không sở hữu, không sản xuất và không cho phép vũ khí hạt nhân. Đáng tiếc là sau 70 năm xảy ra thảm họa này, thế giới vẫn chưa có một Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để góp phần xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.”
Trong tuyên bố hòa bình của mình, Thị trưởng thành phố Nagasaki Tomihisa Taue đã nêu ra những quan ngại về sự thay đổi gần đây trong cách giải thích bản Hiến pháp hòa bình của nước này, từ đó kêu gọi Chính phủ và Quốc hội lắng nghe, cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra những bước đi khôn ngoan để củng cố an ninh quốc gia và hòa bình khu vực cũng như thế giới.
Thị trưởng thành phố Nagasaki cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lưu truyền những thông điệp hòa bình từ những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử, nay đều đã ở độ tuổi 80.
Đại diện những nhân chứng còn sống sót cũng đã có bài phát biểu tại lễ tưởng niệm, nhắc lại những ký ức kinh hoàng và những nỗi đau dai dẳng sau thảm họa bom nguyên tử này.

Nhân chứng cách tâm vụ nổ 2,5km
Chỉ một quả bom nguyên tử rơi xuống Nagasaki đã ngay lập tức cướp đi sinh mạng của khoảng 40.000 người và khiến 110.000 người sống sót sau đó cũng không thoát khỏi việc bị nhiễm phóng xạ gây ra những căn bệnh quái ác.
Ngày này cách đây tròn 70 năm, Mỹ đã ném xuống thành phố Nagasaki quả bom nguyên tử có tên “Fat man”, phá hủy toàn bộ khu vực có bán kính khoảng 1,6km. Ở cách trung tâm vụ nổ 2,5 km, cụ Toru Mine, khi đó mới 9 tuổi, vẫn luôn cảm thấy những ký ức về thảm họa cách đây 70 năm như mới xảy ra ngày hôm qua.
Cụ Mine nói: “Hôm đó đang là một ngày nắng trong lành thì bỗng nhiên tôi thấy có một ánh sáng lóe lên làm lóa cả mắt. Lúc đầu tôi tưởng đó là sấm sét nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra là không thể có sấm sét giữa trời quang như thế. Vài giây sau, con gió từ vụ nổ ập đến thổi bay mái nhà của chúng tôi”.
Cụ Toru Mine không những may mắn sống sót mà gần như không bị nguy hại gì. Nhưng nỗi đau lớn nhất mà thảm họa này mang lại cho cụ chính là việc mất đi người mẹ đang chạy vạy xin gạo nuôi con vào đúng buổi sáng bị kịch đó. Sau khi nghỉ hưu, cụ Mine làm tình nguyện tại Bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki với mong muốn kể lại cho thế hệ trẻ những ký ức đau thương và thông điệp khát khao hòa bình. Đó cũng là mong muốn của những người sống sót khác như cụ Reiko Hada, 79 tuổi, một y tá trường học cống hiến suốt 40 năm sự nghiệp cho phong trào phản đối vũ khí hạt nhân.
Cụ Reiko Hada chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng sẽ truyền lại thông điệp xương máu rằng chúng tôi thực sự muốn tất cả vũ khí hạt nhân biến mất khỏi Trái đất”./.

Diệu Hương/VOV

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.