Liên kết ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven biển ĐBSCL

Hội thảo “Đối thoại chính sách về quản lý môi trường bền vững ven biển vùng ĐBSCL” do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại các tỉnh ĐBSCL (gọi tắt là Chương trình ICMP/CCCEP), UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức đầu tháng 11-2014.

Công trình xây dựng đê biển ngăn sạt lở đất được xây dựng tại xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (Ảnh: Hà Văn).

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng, vùng nước ngọt, lợ, mặn đan xen nhau, đồng thời đây là khu vực duy nhất tiếp giáp biển Đông và biển Tây với bờ biển dài trên 750km, diện tích rừng khoảng 347.500ha thuận lợi trong việc khai thác lâm hải sản, góp phần bảo vệ môi trường trong khu vực. Bên cạnh đó, hằng năm ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu; cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Đặc biệt, ĐBSCL cung cấp lương thực cho hơn 145 triệu dân sinh sống ở khu vực châu Á, đưa Việt Nam, quốc gia từng trải qua nạn đói kém, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Theo các nghiên cứu chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 38% diện tích ĐBSCL có thể bị nước biển nhấn chìm vào năm 2100. Đồng thời, hiện nay một số khu vực ven biển đang bị xâm thực khoảng 30m mỗi năm; rừng ngập mặn dọc theo bờ biển bảo vệ đất liền khỏi ảnh hưởng của bão, lũ hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng; mức độ gia tăng xâm nhập mặn dẫn đến tình trạng đất nhiễm mặn, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp… Các thách thức này đe dọa tương lai vùng ĐBSCL và rất cần giải pháp thích ứng hợp lý.

Hội thảo “Đối thoại chính sách về quản lý môi trường bền vững ven biển vùng ĐBSCL” thuộc Chương trình ICMP/CCCEP cung cấp thông tin về chính sách quy hoạch hiệu quả ở các nước: Hà Lan, CHLB Đức, Úc để các đại biểu thảo luận, nghiên cứu, lồng ghép và ứng dụng vào các quy trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực ĐBSCL theo hướng bền vững. Một trong những định hướng phát triển kinh tế – xã hội thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL là tăng cường liên kết trong quy hoạch quản lý tổng hợp vùng ven biển, nâng cao các chuỗi giá trị trong phát triển, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các cụm kinh tế ngành nông nghiệp; cần tiếp cận và giải quyết các vấn đề về BĐKH theo vùng, không theo từng tỉnh đơn lẻ… Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: “Đối thoại chính sách về phát triển bền vững vùng ven biển ĐBSCL là diễn đàn thích hợp để tập hợp các bên liên quan bàn về những chính sách phát triển bền vững, liên kết vùng, cụ thể là liên kết các cụm kinh tế ngành tại ĐBSCL. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thống nhất sự cần thiết hình thành và duy trì cơ chế đối thoại này thời gian tới”.

Từ những giải pháp trên, các địa phương như: Sóc Trăng và Bạc Liêu có khoảng 99% bờ biển không còn chịu tác động trực tiếp của sóng biển; phục hồi 603 ha rừng ngập mặn; giới thiệu 22 mô hình sinh kế, giúp giảm áp lực môi trường và tăng 60% thu nhập cho 8.500 gia đình… Trong giai đoạn 2 (2014 – 2017), Chương trình ICMP/CCCEP tập trung thể chế hóa và nhân rộng các giải pháp nhằm tác động toàn diện trên quy mô lớn hơn tại khu vực ĐBSCL. Ông Dương Quốc Xuân cho biết thêm: “Các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm thích ứng với BĐKH. Chương trình ICMP/CCCEP đóng góp tích cực trong quản lý các hệ sinh thái ven biển, phục hồi và giảm thiểu tổn hại; hỗ trợ nâng cao nhận thức về môi trường, xây dựng một số mô hình, tạo sinh kế bền vững. Thời gian tới, các địa phương trong khu vực cần tranh thủ sự hỗ trợ, tăng cường liên kết, phối hợp để phát huy hiệu quả chương trình”.

Hà Văn (Baocantho.com.vn)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.