Lễ Tri Ân Linh mục Nguyễn Văn Luyến

Ngày 26/7, UB Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPCT, UB Đoàn kết Công giáo huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với giáo hạt Vĩnh An và giáo xứ Long Bình tổ chức lễ kỷ niệm cố Linh mục Phan xi cô Nguyễn Văn Luyến. Một người công giáo yêu nước suốt đời tận tụy phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy – UBND huyện Vĩnh Thạnh và Linh mục Phan Đình Sơn, Phó Chủ tịch UB Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam  đến dự.

Cố Linh mục Phan xi cô Nguyễn Văn Luyến sinh năm 1904 – mất năm 1974, quê quán làng Thủ Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Năm 1954 ông về khu dinh điền Cái Sắn lập nên xứ đạo Long Bình. Do ý thức dân tộc nên ngay khi vừa đặt chân đến vùng đất Cái Sắn, Linh mục Luyến từ chối nhận viện trợ của Mỹ và bất hợp tác với chính quyền Sài Gòn trong việc tổ chức tề ấp. Năm 1962, chi bộ Thạnh An đến tiếp xúc và vận động, với tâm niệm: “Nước có vinh thì đạo mới sáng ” Linh mục ủng hộ và tham gia hoạt động cách mạng. Ông dùng nhà xứ Long Bình và nhà thờ họ lẽ Hiếu Thuận ở xã Thạnh An làm hầm nuôi chứa, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo huyện Ủy Thốt Nốt thời bấy giờ. Cho đến ngày giải phóng miền Nam, cán bộ ta hoạt động tại khu dinh điền chưa hề bị địch phát hiện. Thống nhất đất nước, cố Linh mục Nguyễn Văn Luyến được Đảng, Nhà nước phong tặng huy chương kháng chiến hạng I. Noi gương ông, nhiều linh mục, giáo dân vùng bắc Cái Sắn và vùng ĐBSCL cũng tham gia cách mạng. Đáp lời kêu gọi của Đảng , Nhà nước, phát động phong trào thanh niên lên đường bảo vệ tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt, hàng ngàn thanh niên công giáo Vĩnh Thạnh lên đường nhập ngũ, có không ít người anh dũng hy sinh.

Đến nay, Đảng, Nhà nước đã xét khen thưởng cho cán bộ chiến sĩ các xã Bắc Cái Sắn 15 huân chương kháng chiến; 52 huân, huy chương chiến công các loại. Lễ tri ân được tiến hành để tạ ơn cố Linh mục Nguyễn Văn Luyến cùng 7 vị Linh mục ở ĐBSCL và các chiến sĩ cách mạng vùng Bắc Cái Sắn đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời nhắc nhớ các thế hệ mai sau phải ý thức rằng:  “Người đồng bào công giáo tốt phải là người công dân yêu nước và sống tốt đời đẹp đạo”.

Lâm Trực – Công Nhân

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.