G7 ra tối hậu thư cho Nga về vấn đề Ukraina

Sau cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 5-6 tuyên bố lãnh đạo G7 sẽ cho Nga một tháng là thời hạn để thôi không can thiệp vào tình hình Ukraina. Nếu không, Mát-xcơ-va sẽ đối mặt với những trừng phạt quốc tế nặng nề hơn.

Thủ tướng Anh Cameron (trái) và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp ngày 5-6. Ảnh: ITAR-TASS

Theo ông Obama và các lãnh đạo khác của G7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cần công nhận và đối thoại trực tiếp với Tổng thống đắc cử Ukraina Petro Poroshenko. Đồng thời, Mát-xcơ-va cần dừng việc đưa các binh sĩ và vũ khí sang hậu thuẫn cho phe nổi dậy tại Ukraina. Ngoài ra, Nga cũng nên yêu cầu lực lượng ly khai Ukraina từ bỏ vũ khí, rời khỏi các tòa nhà công cộng đã chiếm đóng và tham gia đàm phán với giới chức Kiev. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh David Cameron, ông Obama khẳng định “Nga phải có trách nhiệm thuyết phục họ (những người nổi dậy) chấm dứt bạo lực, hạ vũ khí và đối thoại với Chính phủ Ukraina”, đồng thời cảnh báo nếu Mát-xcơ-va tiếp tục khiêu khích, các quốc gia G7 sẵn sàng đưa ra cái giá mới mà Nga phải gánh chịu.

Thông điệp này sau đó đã được Thủ tướng Cameron chuyển đến Tổng thống Putin trong cuộc gặp vào cuối ngày 5-6 tại Pháp. Ông Cameron cho biết đã gửi thông điệp “rõ ràng và mạnh mẽ” đến ông Putin rằng tình hình hiện nay tại Ukraina là không thể chấp nhận được và cần phải thay đổi. Đây cũng là lần tiếp xúc đầu tiên của lãnh đạo phương Tây với ông chủ Điện Kremlin kể từ sau khi Mát-xcơ-va sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea vốn thuộc Ukraina hồi tháng 3. Giới báo chí cho rằng đây là cuộc gặp thiếu không khí “nồng ấm” và lãnh đạo hai nước đã không trao cái bắt tay truyền thống khi mới gặp mặt.

Pháp không định ngừng hợp đồng tàu chiến với Nga

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin đã có cuộc hội đàm mang tính xây dựng với người đồng cấp Pháp Francois Hollande tại Paris tối 5-6. Nguyên thủ hai nước đã trao đổi về tình hình và triển vọng xây dựng quan hệ song phương cũng như việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Mặc dù bày tỏ mong muốn Mát-xcơ-va hạ nhiệt căng thẳng với Kiev trong thời gian sớm nhất, Paris không có ý định hủy bỏ hợp đồng bán tàu chiến trị giá 1,6 tỉ USD cho Nga. Ông Hollande nói: “Nếu châu Âu không áp đặt thêm cấm vận với Nga thì Pháp sẽ thực hiện đúng điều khoản hợp đồng và không thấy có trở ngại nào trong việc bàn giao các tàu chiến đúng hạn”. Chiếc tàu đầu tiên trong hai tàu theo đơn đặt hàng dự kiến sẽ chuyển đến Mát-xcơ-va vào tháng 10 tới. Hiện tại, Mỹ và nhiều nước phương Tây đang kêu gọi Paris cân nhắc lại hợp đồng này.

Ngoài các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Anh và Pháp, Tổng thống Putin ngày 6-6 còn gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và một số lãnh đạo châu Âu khác nhân dịp tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đội đồng minh đổ bộ xuống bờ biển Normandy trong Thế chiến thứ hai. Nhằm bắn tín hiệu muốn cải thiện quan hệ với Ukraina, Tổng thống Putin cũng có cuộc gặp và nói chuyện với Tổng thống đắc cử nước này, ông Petro Poroshenko.

(Baocantho.com.vn)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.