Đờn ca tài tử vào trường học

Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã có nhiều chuyển biến sôi động. Một số đơn vị, tổ chức còn xây dựng các chương trình đưa ĐCTT đến trường học nhằm giúp các em học sinh có cái nhìn toàn diện, cảm nhận được cái đẹp, cái hay, tính độc đáo, tính nhân văn của nghệ thuật ĐCTT.

Các giáo viên mầm non TP. Bạc Liêu tham gia hội thi viết chữ đẹp với đề thi là 10 câu trong bản “Dạ cổ hoài lang”. Ảnh: C.K

Gần đây nhất là chương trình do Trung tâm Văn hóa phối hợp với Phòng GD-ĐT các quận huyện, các nghệ sĩ thực hiện đưa nghệ thuật ĐCTT đến một số trường THCS tại trung tâm TP. Đây là một hoạt động rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy được hiệu quả thực sự của chương trình đòi hỏi phải có sự kết hợp nhiều yếu tố, từ tổ chức chặt chẽ, hợp lý, khoa học cũng như căn cơ là một vấn đề rất cần được quan tâm và cân nhắc kỹ lưỡng.

Nội dung của chương trình như thế nào là phù hợp với lứa tuổi học sinh, để có thể giúp các em biết được những kiến thức căn bản nhất về nghệ thuật ĐCTT. Thời lượng, kết cấu chương trình như thế nào là vừa, bao lâu tổ chức một lần, có ảnh hưởng đến chương trình học chính khóa của các em hay không, rồi hình thức thể hiện như thế nào là thích hợp… là những vấn đề cần phải xem xét cẩn thận.

Trong thời buổi hội nhập toàn cầu, có nhiều phương tiện vui chơi, nhiều loại hình giải trí hiện đại để các bạn trẻ lựa chọn thì việc hướng các em đến những giá trị nghệ thuật truyền thống, những loại hình âm nhạc dân tộc có thể nói là không đơn giản. Vấn đề ở đây là những nhà quản lý văn hóa phải tính đến một hành trình dài, một hành động căn cơ chứ không thể chỉ ngày một ngày hai.

Quan sát thực tế những buổi trình diễn nghệ thuật ĐCTT tại các trường THCS vừa qua cho thấy, chủ yếu chỉ mới là các hoạt động biểu diễn mà hầu như chưa truyền tải được những nội dung cần thiết về ĐCTT. Nhiều học sinh có vẻ quan tâm, thích thú với chương trình nhưng cũng không ít em tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt, có em suốt chương trình chỉ ngồi bấm điện thoại chơi game… Phải cho các em biết, hiểu về những cái hay, cái đẹp, nét văn hóa đặc trưng của ĐCTT.

Từ chỗ hiểu các em mới có thể yêu mến trân trọng nghệ thuật này. Thế thì chương trình nên kết cấu thế nào cho các em hiểu biết về nghệ thuật ĐCTT hay chỉ đơn thuần là biểu diễn phục vụ? Phải chăng chúng ta đang quá chú trọng khía cạnh vật chất và các yếu tố hình thức phô trương mà ít quan tâm đến chất lượng nội hàm văn hóa?

Nói không quá lời nhưng không gian của ĐCTT chính là trường học cho các thế hệ. Một sức sống trường tồn tự nhiên. Người hát rất đa dạng, từ giới trí thức đến bình dân, từ quan chức cho đến anh thợ cày… đều có thể ca tài tử hay ít nhất là vài câu vọng cổ mùi mẫn.

ĐCTT hấp dẫn và lan tỏa nhờ sự mộc mạc, gần gũi, dân dã mà không kém phần tinh tế với không gian gắn bó mật thiết với thiên nhiên, sinh hoạt đời thường. Nó không đòi hỏi phải sân khấu hoành tráng, phải nhà hát lộng lẫy. Bất cứ nơi nào, trạng thái nào, hoàn cảnh nào cũng có thể có sự xuất hiện của âm nhạc tài tử. Bởi vậy, khởi đầu với một mục đích hoàn toàn tốt đẹp, nhưng hành trình đi đến kết quả như mong muốn đòi hỏi chúng ta phải kiên trì từng bước một./.

MinhKhoi (sggp)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.