Cà Mau mùa sóng dữ

Mỗi độ mưa về, biển Cà Mau lại bớt hiền hòa. Thời điểm ấy, cư dân miền biển Cà Mau chẳng ngon giấc bởi những cơn sóng cứ ngày đêm gầm rú như chực chờ, muốn nuốt trọn đất-rừng và thành quả lao động của cư dân nơi đây…

Sóng dữ áp bờ, đe dọa những khu kè tạm bảo vệ đê phòng hộ ven biển.

Chực chờ những cơn sóng dữ

Xuồng chở đoàn cán bộ của Tổng Cục Thủy lợi và ngành chức năng Cà Mau thị sát tuyến đê ven biển (trong ngày 28 và 29-6) khởi hành gần cửa biển Khánh Hội qua Khánh Tiến, qua nhiều khúc cua mới tới vàm Rạch Dinh. Đầu vàm, tỉnh Cà Mau xây một cống ngăn mặn bề thế, ngó mặt ra biển. Trên độ cao của cống có thể bao quát cả những khu kè chắn sóng bảo vệ con đê trước những con sóng dữ.

Sóng áp bờ tung tóe khiến vài người trong đoàn giật mình. Bình thản nhất có lẽ là Út Hoai (Nguyễn Long Hoai), Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau. Bởi anh có hàng chục năm trong nghề thị sát đê biển. Út Hoai cho hay, tuyến biển Tây Cà Mau trên 91km, từng là vùng biển hiền hòa, bồi lắng tốt. Nhưng, từ năm 2007 tới nay, thời tiết bất thường, sóng dữ áp bờ cuốn đất, cuốn rừng ra biển. Mỗi năm lở khoảng 15m, có nơi đến 50m. Cho tới nay, sóng dữ cuốn mất hơn 3.800ha rừng phòng hộ. Nghiêm trọng nhất là thời điểm đầu mùa mưa đến qua Tết năm sau, sóng dữ đêm ngày rầm rú không yên. Cũng theo lời Út Hoai, nặng nhất trong những mùa biển động là mùa mưa năm 2010. “Tại vàm Rạch Dinh, trong vòng khoảng 1 tháng, sóng biển “ngốn” muốn hết rừng phòng hộ, lé đé cận chân đê. Ngày ấy, tôi đứng quan sát mà cây rừng đổ ngã theo từng lượn sóng, khủng khiếp lắm” – chỉ tay hướng về hướng biển, Út Hoai nói.

Để khắc chế những cơn sóng to áp bờ, ngành chức năng tỉnh Cà Mau dùng những cây cừ tràm cắm xuống biển tại những nơi không còn rừng phòng hộ như vàm Rạch Dinh. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, cừ tràm bị sóng xô ngã. Không đầu hàng trước biển, những cán bộ chuyên trách về công tác thủy lợi Cà Mau dùng hàng ngàn tấn đá dồn vô lưới B40 (loại chì dùng làm hàng rào). Những dề đá theo dạng hình khối được thả xuống ven biển hàng ngàn mét để chắn sóng. Dù đã thả rọ đá theo hình tháp chất chồng lên nhau (dưới cùng 3 lớp, kế 2, trên 1lớp kè rọ đá, mỗi lớp cao 1 mét) nhưng chúng chỉ bảo vệ thân đê cao lắm là 3 mùa mưa. Sau thời gian ấy, lưới bao bọc quanh rọ đá bị oxy hóa, đứt mối và bị sóng dữ đốn ngã khi thủy triều lên.

Cùng cảnh chịu sóng dữ là bờ biển phía đông của Cà Mau trải dài qua các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển… Mùa biển động hằng năm, đai rừng phòng hộ nơi đây hứng chịu những cột sóng to, có khi cao hơn 3m. Sóng dữ đã cuốn mất gần như hoàn toàn khu trồng rau màu của cư dân ven biển Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Gần đây chính quyền Cà Mau đã phải di dời luôn các hộ dân làng chài ven biển Tân Thuận, ngay cửa biển Gành Hào giáp ranh với huyện Đông Hải của Bạc Liêu.

Rừng tràm U Minh hạ có nguy cơ bị xóa sổ.

Tiềm ẩn nguy cơ mất U Minh hạ

Bờ biển Cà Mau đang bị sóng dữ làm sạt lở nặng với tổng chiều dài trên 40km. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đầu tư trên 510 tỉ đồng tạm khắc phục sạt lở tại những điểm xung yếu với tổng chiều dài trên 17,2km. Trong đó, giải pháp kè ngầm chắn sóng được đánh giá là tối ưu tới thời điểm hiện tại với chiều dài khoảng 8.200m, gồm các đoạn, như: Rạch Dinh-Hương Mai, phía bắc cống Hương Mai, đoạn cống Lung Ranh, đoạn tiếp giáp phía Nam của Đá Bạc, đoạn Vàm Sào Lưới, đoạn Cái Cám, Lưu Hoa Thanh.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng triển khai xây dựng các loại kè tạm chắn lở khác với chiều dài trên 6,2km. Trong năm 2014, tỉnh Cà Mau tiếp tục thi công các công trình chống sạt lở tuyến đê biển Tây với tổng chiều dài 14km (đoạn từ Tiểu Dừa đến Hương Mai) nhưng đang gặp khó khăn về vốn.

Tỉnh cũng vừa có báo cáo kiến nghị Tổng cục Thủy lợi đệ trình Chính phủ bổ sung vốn cho kè Đất Mũi với kinh phí trên 100 tỉ đồng; ghi kế hoạch bố trí vốn cho kè cấp bách tại Tân Thuận có chiều dài trên 2,2km (trên 350 tỉ đồng); cho chủ trương lập Dự án đầu tư xây dựng kè khắc phục sạt lở từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (chiều dài 15km, khoảng 300 tỉ đồng); ghi kế hoạch vốn cho dự án kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn với trên 200 tỉ đồng.

Ngoài những điểm xung yếu, Cà Mau còn rất nhiều điểm sạt lở ở bờ Đông lẫn bờ Tây, cuốn thưa rừng phòng hộ ven biển, nơi đai rừng cao lắm chỉ còn khoảng 70m, có nơi chỉ còn khoảng 30-40m. Nghiêm trọng là bờ biển Tây từ xã Khánh Hội đến giáp ranh tỉnh Kiên Giang, đai rừng chỉ khoảng 30m. Nếu không có giải pháp về vốn để triển khai bảo vệ vành đai rừng còn lại thì chỉ 1-2 năm tới, sóng biển sẽ cuốn mất rừng, đe dọa vỡ đê. Khi ấy, vùng ngọt hóa U Minh và một số huyện lân cận sẽ bị xâm thực mặn; rừng tràm U Minh hạ có nguy cơ bị xóa sổ.

Cần Thơ Online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.